Thứ Ba, 24 tháng 3, 2009

Go Heaven? No. Not now!


What's interesting up there? It's burdening here but I should stay anyway.

Thứ Sáu, 13 tháng 3, 2009

Người đàn ông ở "ngã tư tử thần"

Tướng cao to, lúc nào anh cũng nở nụ cười và giơ tay chào khi có người nhìn, thế nhưng cũng có người nộ nạt khi anh ra hiệu nhắc nhở dừng xe đúng vạch sơn kẻ...

Hướng dẫn chi tiết cho người đi đường

Ngày trước khi chưa có xe buýt, mỗi sáng anh đi bộ từ dưới Chụt - Cầu Đá (thuộc phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang) với quãng đường dài gần 10km để đến "ngã tư tử thần": ngã tư Trần Quí Cáp - 2/4. Đây là ngã tư thường xuyên xảy ra tai nạn và va quẹt khi không có đèn tín hiệu giao thông hoạt động. Giờ đã có xe buýt nhưng thỉnh thoảng anh mới đi vì không phải lúc nào cũng có tiền.

Nhưng dù đi bộ hay đi xe buýt, đúng 6g25, anh luôn có mặt ở ngã tư này để kịp điều phối xe cộ lưu thông. Những hôm đèn tín hiệu hoạt động tốt, công việc của anh đỡ nhọc nhằn hơn: anh chỉ việc ra hiệu nhắc nhở mọi người dừng đúng vạch sơn, không lấn sang phần đường bên kia để cho xe từ đường Trần Quí Cáp ôm cua qua đường 2/4 ra phía bắc thành phố được an toàn. Mỗi khi người được anh nhắc nhở chấp hành tốt thì anh đều giơ tay chào và mỉm cười đáp trả.

Còn hôm nào đèn tín hiệu "trở chứng" hoạt động không đồng bộ thì công việc của anh thật căng thẳng, anh phải quan sát thật chuẩn trên bộ đèn để ra tín hiệu dừng hoặc đi để cho các phương tiện giao thông đi lại thật nhịp nhàng. Và khủng khiếp cho những hôm đèn tín hiệu không hoạt động, anh phải luôn miệng thổi còi để “cảnh cáo“ người điều khiển xe chạy nhanh, lấn đường hoặc cảnh báo những nguy hiểm có thể xảy ra cho các xe tải khi ôm cua trước văn phòng Vi-P...

7g45, công việc anh kết thúc. Người nhễ nhại mồ hôi, anh nở một nụ cười thật mãn nguyện tự thưởng công cho mình rồi lẳng lặng rời khỏi ngã tư này để trở về nhịp sống ngày mới.

Mấy ngày qua rơi vào tháng thanh niên, công việc anh gặp thuận lợi hơn khi ngã tư này xuất hiện các bạn đoàn viên thanh niên của nhiều lực lượng cùng tham gia, anh vui ra mặt và lúc nào nụ cười cũng hiện hữu trên khuôn mặt đen sạm mặc dù có người chửi anh là thằng khùng. Nhưng nếu anh có bị khùng thật thì anh vẫn còn minh mẫn hơn nhiều người đi xe sang trọng, áo quần đắt tiền nhưng không phân biệt được đâu là đèn xanh, đâu là đèn đỏ, đâu là đèn được đi, đâu là đèn phải dừng lại. Anh còn phân biệt rõ qui định các vạch kẻ trên đường chứ không như nhiều người mặt mũi sáng sủa, mắt tinh tường lại lấn đường đi ẩu...

Mặc dù chúng tôi nhiều lần tiếp xúc để mong tìm hiểu về nhân thân nhưng đều vô vọng vì anh không muốn cho mọi người biết về anh và cũng né tránh khi có người quay phim chụp ảnh. Để thực hiện chùm ảnh này, chúng tôi đã phải "phục kích" chụp trong nhiều ngày liên tiếp...

Xuống tận nơi để nhắc nhở

Công việc hôm nay đỡ vất vả hơn vì có các bạn đoàn viên ra quân nhân tháng thanh niên

Vui quá nên cứ nở nụ cười trên môi. Ước gì CSGT cũng có nụ cười này khi đứng điều phối ở các chốt nhỉ!

Thứ Tư, 4 tháng 3, 2009

Người Thợ Rèn





Người đàn ông này đã sáu mươi tuổi, ba mươi chín năm gắn bó với lò rèn. Mình đi qua chỗ ông ngồi, mình quay lại. Mình nói với ông mình nhớ cái lò rèn quá. Hồi xưa, đi về nhà ngoại bằng đường xóm, thể nào cũng đi qua vài ba cái lò rèn, thể nào cũng đứng lại coi những ông già gân guốc, lọ lem ngồi đăm đăm bên mảnh thép nung đỏ.

Những cái nghề thủ công xưa cũ như rèn dao, dệt chiếu, sấy cốm… không biết sẽ về đâu. Mai đây, những gì mình kể có thể gây tác dụng ngược với thằng Bạn Nhỏ, nó sẽ không tin là có những người như thế làm những công việc như thế trên đời.

Duy đi chợ






Câu chuyện của tôi xin được bắt đầu từ một sáng chợ đông, bắt đầu từ cái bóng người bé nhỏ đang lon ton luồn lách giữa các lối đi chật hẹp và tăm tối. Cậu bé mua ít thịt nạc, khoai tây, và một ít tép bạc, loại nhỏ. Cái máy ảnh tôi dõi theo đằng sau nó làm cả chợ rộn ràng, mấy chị bán cá quen cười, ghẹo “thằng nhỏ Duy này ngon quá ta, bữa nay được chụp hình lên báo …”. Rồi có chị ngoảnh lên, hỏi tôi, “nó đi chợ hồi ba bốn tuổi, bộ lạ lắm sao ?!”.

Không, như bất cứ người nào từng lui tới cái chợ phường 1 này, tôi quen cái cảnh Duy ăn sáng một mình nơi góc chợ. Cái bàn ăn cao lé đé gần đến cổ Duy, lúc đó nó chưa đầy bốn tuổi. Dưới ghế, cạnh chân Duy là mấy cái túi nilong đựng cá, rau… Duy đi chợ sớm, trên đường đi làm, tôi ghé ngang qua, thường nhìn thấy Duy men theo vỉa hè, hai tay xách lặc lè, lách mình bên những tủ thuốc lá, những chiếc dù che nắng. Nó cao, gầy gò, mớ tóc vàng hoe chấp chới theo mỗi bước chân. Bóng nhỏ tăm tăm.

Đứa trẻ mang họ mẹ…

Bây giờ, Duy lên sáu, mỗi khi nhìn nó lắc xắc giữa những sạp rau cải, hình ảnh đơn giản đó bỗng truyền vào lòng tôi hàng trăm hình ảnh khác, dội lại âm ỉ những số phận. Tôi nhớ gương mặt mủm mỉm của đứa em họ, mười bảy tuổi hay vắng nhà, la cà bè bạn, tụm năm tụm ba ăn vặt ngoài đầu hẻm. Có một dạo thấy mình mập, tròn vo, nó đi mua vòng về lắc. Con nhỏ càng lắc vòng eo càng vượt trội. Chạy bộ cũng không ăn thua. Hôm tới phòng khám, nghe bảo mình mang thai, con nhỏ còn nự nự, hết chuyện nói giỡn rồi sao. Nhưng máy siêu âm thì không biết giỡn, nó báo thai nhi sáu tháng tuổi.

Nhân vật chính của bi kịch bắt đầu “phát biểu” bằng những cú quẫy đạp trong bụng một đứa trẻ khác, đang lo lắng cho cái tương lai mù mịt của mình. Thằng bạn trai rũ bỏ trách nhiệm, sau khi đem tới món tiền “để mai mốt đi sanh…”. Hai triệu đồng như một cái vẫy tay. Cha của cậu ấm này là một nhà thầu làm các công trình giao thông đình đám ở Cà Mau. Người ta nói rằng cứ chiều chiều tới các quán nhậu – ca cổ nổi tiếng trên đường Nguyễn Du thì gặp ông, và bất cứ cô tiếp viên nào cũng biết số điện thoại của vị khách hào phóng.

Thuận miệng thì kể chơi thôi, chuyện của Duy thì không liên quan đến người đàn ông ấy. Mặc dù đôi lúc tôi nghĩ, giá mà người ta được nhìn Duy hôm nó mới ra đời. Một đứa bé đẹp như thiên thần, như trong lịch Tết, đẹp đến ngạt thở. Đẹp đến nỗi tôi phải vịn cái bụng đã đội áo của mình, một cách tuyệt vọng, kêu thầm, “trời ơi, giá mà con mình đẹp được như vầy…”. Hôm tôi thăm, vài chị lạ mặt lượn lờ lại nhìn, đứng mê mẩn hồi lâu, sau ra sân thầm thì, rồi lại quay lại nhìn. Họ muốn xin đứa bé. Mẹ - mười - bảy hẹn ngày mai, “cho nó ngủ với con đêm nay nữa thôi…”. Sáng hôm sau thì số phận Duy được gắn chặt với con hẻm, cái chợ và người bà mù lòa, mẹ Duy giữ nó lại, dù mới mười bảy tuổi, dù vẫn còn dài những cuộc chơi.

Hai tháng sau con tôi ra đời, mẹ Duy đã lại lông bông với đám bạn ngoài đầu hẻm, ăn quà vặt, ném trả bọn con trai chọc ghẹo mình bằng mấy câu mắng mỏ vu vơ, ánh mắt nguýt dài. Gặp tôi mẹ Duy khoe, “thằng Duy biết lật rồi, bữa đó em đi chơi về, thấy nó lật mình ên, tức bụng khóc quá chừng…”. Những khi bận rộn, không tới nhà Duy, tôi nhìn con mình lớn lên và biết Duy cũng lớn lên. Tôi hay hình dung cảnh mẹ Duy đi chơi về và hết hồn hết vía thấy nó bò lủm củm dưới sàn, hay một bữa nào, bà mẹ trẻ nhảy cẩng lên mừng khi thấy con lững đững đi ra cửa đón. Đôi lúc thấy Duy mặc bộ đồ thun rẻ tiền ngắn ngủn, tôi tự hỏi có phải bộ này mẹ Duy mua vào một hôm ngẫu hứng nào, khi mang về mới hay đứa con trai đã cao ?!

Cái ý nghĩ sau này lớn lên, Duy sẽ rất buồn khi nhìn thấy hình ảnh mình, lát cắt cuộc đời mình ghi lại trong tờ báo cũ, khiến tôi vài lần bỏ dỡ bài viết này. Nhưng rồi tôi lại tiếp tục, vì mảng ký ức tuổi thơ của Duy mà tôi trân trọng lưu giữ hôm nay, đáng tự hào biết chừng nào.

Nhìn đời cho cả hai người…


Sáu tuổi, có hai người mẹ Duy lần lượt dắt về vào bảo nó gọi cha. Tôi hỏi Duy, thích cha không, Duy lắc đầu, “con kêu nó mà nó không trả lời”. Xen giữa những cuộc đi mãi miết, làm đủ thứ nghề lặt vặt như làm móng, làm nhân viên matxa, có dạo mẹ Duy mướn nhà ở chung với anh thợ hớt tóc nào đó, rồi hai đứa bỏ nhau, lại yêu anh chàng khác, giờ thì lên Cần Thơ kiếm sống. Duy sống với bà ngoại, tôi gọi bằng dì. Dì mù, do biến chứng của căn bệnh thủy đậu lúc nhỏ. Cô độc, không chồng, nhận mẹ Duy về nuôi để hủ hỉ lúc về già, dì đã không ngờ đến những cuộc đi. Nhưng Duy còn ở lại, nó an ủi dì theo cách của nó, một tiếng khóc đòi ăn, một cái quần sũng nước đái, một cái nhảy mũi... Dì lật bật xoa dầu, thay quần, giặt tả, rồi day qua khuấy bột. Dì bận rộn lắm, bận như cái hồi nuôi mẹ nó. Dì biết nó gầy bằng những ngón tay, nhận ra tiếng khóc nó giữa đám trẻ chơi đằng xóm bằng đôi tai tinh nhạy, gói nó vào lòng khi đêm xuống.

Cho đến khi Duy trở thành một gã đàn ông đĩnh đạc cầm tiền tự ăn sáng và đi chợ. Lúc đầu, Duy còn đi theo mấy dì hàng xóm, sau thì tự đi. Duy muốn ăn gì, thì mua cả bà cháu cùng ăn. Một tháng có sáu ngày bà ngoại ăn chay, Duy cũng ăn chay, rau dưa qua bữa. Sáu tuổi, Duy biết nấu cơm, làm cá, rửa chén, hâm nóng thức ăn bà ngoại nấu, lúc đói, trèo lên bếp nấu mì gói. Có khi đang chơi vui, bỗng dưng bỏ đi tắm. Chẳng ai bảo, tự mình xoay trở, mãnh liệt và hồn nhiên như cỏ mọc trong vườn.

Cuối năm vừa rồi, bà cháu Duy dọn đi khỏi con hẻm nhỏ đến một nhà khác cũng gần đó. Bà ngoại làm quen với nơi ở mới bằng đôi mắt của Duy, nó dắt ngoại đi khắp cái nơi xa lạ mà cánh cửa, cái bậc thềm, bộ bàn ghế… đều là bẫy đối với người khiếm thị. Phơi đồ chỉ Duy mới trèo lên gác được. Những lúc rảnh rỗi Duy hay ra trước cửa nhìn bên đường, mặt mông lung như con hổ nhớ rừng, như một gã giang hồ nhớ những chuyến đi. Mà, Duy là giang hồ thứ thiệt rồi còn gì, những con hẻm lẩn khuất, chằng chịt sâu hút quanh đây Duy đã đi chơi khắp. Gã có nhiều bạn bè, gã giang nắng chửi thề. Kỳ lạ, nắng chỉ làm vàng thêm tóc, nhưng da vẫn trắng như con gái. Và bất chấp những thiệt thòi, cái miệng nhỏ với đôi môi đỏ vẫn hay cười, mỗi lúc gọi Duy ơi, gã ngước nhìn, mắt đen tròn, trong vắt và sâu thẳm.

Xóm hẻm, và cả cái chợ thực phẩm nhỏ giờ cách Duy một con đường lúc nào cũng gầm gừ xe cộ. Duy phải nhờ người lớn dắt qua. Nhiều lần, đưa Duy qua đường, nhưng chưa bước lên vỉa hè, Duy đã xé tay tôi ra lủi thủi chạy vào trong chợ. Vài lần, tôi chở con trai tôi và Duy đi chơi loanh quanh ngoài đường, nó ngồi phía sau, phải nhắc rất lâu nó mới chịu vòng tay ôm đầy ngượng ngập. Tôi cũng ngượng ngập, bởi cái bàn tay nhỏ nhắn này, tôi đã từng nắm lấy rồi lại buông ra, khi Duy lên hai lên ba. Nhưng từ bây giờ, tôi sẽ tập nắm tay Duy, hy vọng đến giữa mùa thu năm nay, Duy sẽ cho tôi một cơ hội được dắt nó vào tận cửa lớp trao cho cô giáo, như hàng trăm đứa trẻ khác có người thân đưa đi trong ngày tựu trường…

Thứ Hai, 2 tháng 3, 2009

Bài Thơ Đôi Dép


Bài thơ đầu anh viết tặng em
Là bài thơ anh kể về đôi dép
Khi nỗi nhớ ở trong lòng da diết
Những vật tầm thường cũng biến thành thơ

Hai chiếc dép gặp nhau tự bao giờ
Có yêu nhau đâu mà chẳng rời nửa bước
Cùng gánh vác những nẻo đường xuôi ngược
Lên thảm nhung xuống cát bụi cùng nhau

Cùng bước mòn, không kẻ thấp người cao
Cùng chia sẻ sức người đời chà đạp
Dẫu vinh nhục không đi cùng người khác
Số phận chiếc này phụ thuộc chiếc kia

Nếu ngày nào một chiếc dép mất đi
Mọi thay thế đều trở nên khập khiễng
Giống nhau lắm nhưng người đời sẽ biết
Hai chiếc này chẳng phải một đôi đâu

Cũng như mình trong những lúc vắng nhau
Bước hụt hẫng cứ nghiêng về một phía
Dẫu bên cạnh đã có người thay thế
Mà trong lòng nỗi nhớ cứ chênh vênh

Đôi dép vô tri khắng khít song hành
Chẳng thề nguyền mà không hề giả dối
Chẳng hứa hẹn mà không hề phản bội
Lối đi nào cũng có mặt cả đôi

Không thể thiếu nhau trên những bước đường đời
Dẫu mỗi chiếc ở một bên phải trái
Nhưng tôi yêu em ở những điều ngược lại
Gắn bó đời nhau vì một lối đi chung

Hai mảnh đời thầm lặng bước song song
Sẽ dừng lại khi chỉ còn một chiếc
Chỉ còn một là không còn gì hết
Nếu không tìm được chiếc thứ hai kia

Chủ Nhật, 1 tháng 3, 2009

Thêm một lần phải nói lời chia tay


Chỉ ngày kia thôi mình sẽ lại thêm một lần phải nói lời chia tay rồi. Mình sẽ không còn là NV của CDN nữa. Cũng buồn. Buồn ít hơn cái hè năm 12 một chút và nhiều hơn ngày phải xa VB một chút.

Sáng thứ Bảy lên công ty, thấy phòng trống trơn, mình thấy như hụt hẫng. Kia là dáng ngồi to lớn của Trực, người lúc nào cũng có một cái khăn để lau mồ hôi tay. Gần bên là anh Tuấn, miệng nói huyên thuyên dí dỏm suốt ngày. À. Huyền ngồi kia rồi. Cái dáng gầy gầy hay chăm chú vào màn hình máy tính. Dãy sau lưng mình là Hà và Oanh, những người chịu trách nhiệm mang tiền về cho công ty. Ra cửa nhìn qua, đó là phòng chị Giám đốc.

Nhưng hôm nay không còn ai nữa. Mọi người đang chuẩn bị cho một chuyến chia li.

thì chia li. Cuộc sống vẫn vậy. Có hợp thì có tan. Có gì đâu mà buồn? Chuyện thường tình ấy mà.

Thôi mình đi ra ngoài đường đây. Mình phải tìm một hình ảnh nào đó để lưu dấu ngày chia tay. Ở đây không có cái đỏ rực của hoa phương sân trường làm cháy nát lòng cậu học sinh 12 năm nào. À! Có rồi đây! Mấy hàng me vẫn xanh ngát, con đường vẫn đẹp. Bên kia đường, trên cành, một trái xoài thấp thoáng.


Chưa một ngày nhàn rỗi

Ba tuổi, anh bị sốt, biết bao của cải, gia sản, nhà cửa trong gia đình lần lượt phải đem bán hết để cứu mạng sống. Trở thành người tàn với đôi chân bại liệt, anh làm đủ nghề để khẳng định mình “tàn” nhưng không “phế”

Học chưa hết lớp 9, anh Võ Đình Minh khẳng định mình là người văn hoá thấp. Nhưng với người dân thành phố Quy Nhơn, anh là một tấm gương của sự vượt lên chính khiếm khuyết của mình, tự sáng chế, cải tạo xe hai bánh thành xe ba bánh có số lùi cho người tàn tật. Đạt được nhiều giải thưởng khoa học sáng tạo, được bạn bè khuyết tật khắp Việt Nam biết đến với những sáng chế hữu dụng dành cho người khuyết tật. Nay là chủ một doanh nghiệp nhỏ ở Quy Nhơn, nhưng anh trăn trở: “Đời tôi chưa một ngày nhàn rỗi, chưa một ngày vui”.

Bất mãn với chính mình

Anh Minh nhớ lại: “Tôi là con cả trong gia đình có tám anh em, không theo nổi học văn hoá, tôi nghỉ ngang đi học nghề sửa điện tử, radio để tự lập. Năm 1972 vào Sài Gòn học nghề. Học về ti vi thầy phải tự tay ôm ti vi đến đặt trước mặt, thiếu con ốc, cây vít, thầy cũng phải đem đến vì tôi đi lại rất khó khăn, sức khoẻ yếu. Học nghề mà toàn bắt thầy phục vụ từng việc vặt như thế, tôi không thể chấp nhận được, lúc nào cũng mang tâm trạng bất mãn, phải bỏ học”.

Trở về lại Quy Nhơn, gặp một người bạn làm nghề sửa khoá, anh Minh lân la học cho có nghề để làm và trở thành người mở khoá số một Quy Nhơn, vượt qua cả tay nghề người đã dạy anh. Với tên gọi ông Cụt (người ta thường thấy anh chống nạng, tưởng bị cụt chân), hễ ở Quy Nhơn có khoá nào không mở được, tay ông Cụt đụng vào là khoá nào mở cũng ra, từ khoá thường đến khoá số, két sắt, tủ, cửa… Thời làm thợ khoá trong đời anh xem ra nhẹ nhàng nhất so với những nghề mà anh tiếp tục kể.

Bôn ba và tay trắng

Mẹ đi bán gạo một mình, các em còn nhỏ, anh bỏ nghề khoá, phụ mẹ vào Sài Gòn, mua gạo theo tàu ra Quy Nhơn rồi chuyển đến Đà Nẵng. Tháng 30 ngày, anh đi liên tục 27 ngày không nghỉ, bạn hàng ai cũng ngán sức lao động của anh, thời điểm đó người buôn bán bình thường chỉ đi 10 – 15 ngày trong tháng. Anh Minh tâm sự: “Mình đã không làm thì thôi, còn khi làm thì phải làm hết sức lực, để mọi người thấy mình tàn tật nhưng không ăn bám”.

Dành được số vốn, anh một mình đi làm riêng, mua cá chuồn theo tàu Thống Nhất ra Hà Nội bán ở chợ Đồng Xuân. Anh nhớ rất rõ: “Buôn cá được 7 chuyến, liều một trận đánh hàng thuốc tây để kiếm vốn kha khá ở nhà làm việc gì đó ổn định. Chẳng ngờ bị bắt, tịch thu hết hàng, sạch bay vốn luôn”.

Về lại Quy Nhơn anh vay tiền mua lốp xe hơi cũ, đem 10 lốp vào Sài Gòn rút bố bán cho mấy chỗ làm vỏ xe đạp, mua vỏ xe đạp về bán lại cho các tiệm sửa xe ở Quy Nhơn. Tích góp từng đồng lời, thu gom vỏ xe ở khắp Bình Định đem về thuê thanh niên trong xóm rút bố, bán lại cho Sài Gòn. Từ tay trắng, số vốn anh lên hơn 2 cây vàng. Anh dồn hết tiền đi Huế gom lốp về rút bố, mua lốp xong tự nhiên giá chỉ bố hạ, Sài Gòn không tiêu thụ nữa, vàng lên giá. Anh lại trắng tay.

Gia sản cả nhà còn 8 chỉ vàng, anh xin ba cho đi buôn muối. Cầm 8 chỉ, anh giao tiền, nhận muối ngoài đồng, vào bao chưa kịp chuyển về thì gặp mưa lụt. Các bao muối ngấm nước căng phồng, vác lên vai nước chảy sạch chỉ còn lại nhúm muối. Vốn liếng mất sạch mà chẳng kiếm được xu lời.

1986, anh lập gia đình, với 5 phân vàng trong tay anh theo nghề thu mua đồ cũ, ve chai, bù lon, con tán, vòng bi, bạc đạn, cờ lê, mỏ lết… đem bán lê la vỉa hè khắp Quy Nhơn. Cuộc sống khá hơn từ đó.

Cái khó ló cái khôn

Anh Minh tâm sự: “Thân thể tôi khiếm khuyết, nên không cho phép mình nhụt chí. Bằng mọi giá cũng không để lệ thuộc vào người khác”. Quyết tâm sống như thế đã tạo cho anh có những ý tưởng mà nhìn lại anh cũng không hiểu nổi: “Tôi chế một chiếc ba bánh từ xe Citi, chỉ chạy được số tới. Mỗi ngày đi làm phải ra vào hẻm nhỏ trong nhà, xe không có số lui nên rất bất tiện. Tôi tự mày mò, tháo ráp, thiết kế một bộ phận hộp số sao cho xe có thể chạy lui được. Ý tưởng có nhưng phải mất ba năm làm đi sửa lại mới hoàn tất. Anh em khuyết tật gặp, nhờ làm giúp, người này chỉ người kia, làm chiếc xe dắt đi nhậu một chầu là xong, khỏi tiền bạc gì cả. Cứ thế từ bán đồ lạc xoong vỉa hè, tôi chuyển sang làm xe máy cho người khuyết tật luôn”.

Không qua trường lớp đào tạo về máy, gò hàn, chỉ tự mày mò nghiên cứu, anh Minh đã gây sửng sốt trong giới người tàn tật với chiếc xe có số lui, rất tiện dụng. Đơn đặt hàng đến tới tấp từ trong tỉnh, ngoài tỉnh, khách hàng xa nhất ở tận Móng Cái, Hà Giang, Thanh Hoá, Hải Phòng… mình anh làm không xuể nên đứng ra thành lập doanh nghiệp, nhận anh em chủ yếu người đồng cảnh ngộ để truyền nghề.

Khách hàng có người đưa cả xe tay ga đến. Lại thêm một thách thức mới, mất nửa tháng suy nghĩ, anh chế được bộ số lùi cho chiếc Attila đầu tiên trong suốt một tháng. Anh bảo: “Mình như người thợ may, khách đem vải đến, bảo gì may nấy. Người cụt tay phải, nhờ chuyển tay ga sang trái, có người yêu cầu chuyển thắng và ga xuống chân, mỗi yêu cầu lại là một thách thức mà mình phải làm được. Vì là người khuyết tật nên mình hiểu được nhu cầu của những người bạn ấy bức thiết đến mức nào”.

Đạt được nhiều giải thưởng trong tỉnh, trong nước, được xem là thành công với việc chuyển xe hai bánh thành ba bánh cho người khuyết tật. Nhưng anh Minh lại buồn rầu: “Mấy tháng nay, từ khi nghe nói sắp tới có lệnh cấm không cho đăng kiểm xe ba bánh tự chế, xưởng không có đơn đặt hàng nào. Anh em trong xưởng cũng toàn người tàn tật, đã quen việc rồi, không có việc làm lấy gì sống”. Rồi anh buột miệng: “Chẳng lẽ, mình lại sắp trắng tay nữa sao!?”.

SGTT

Một người sửa xe đạp ở Vũng Tàu

Trên vỉa hè một góc đường lớn, phía sau là bãi đất trống, phía trước là một vòng xoay bao quanh đài liệt sĩ, một trong những cảnh quan đẹp của thành phố Vũng Tàu, Ba Bình nói anh ngồi đây đã mười tám năm rồi, từ khi bé Mai Phong (con gái út của anh) còn ẵm trên tay, bây giờ nó đã vào đại học

Ba Bình sửa xe đạp ở vòng xoay đài liệt sĩ Vũng Tàu đã 18 năm

Mười tám năm, bao nhiêu vật đổi sao dời, hai đời chủ tịch phường vào tù ra khám vì chuyện đất đai, anh vẫn là thợ sửa xe đạp. Ba Bình kể lại như một chuyện vui, rằng, ông chủ tịch phường hồi ấy mỗi lần đi qua đây đều dừng xe lại, quát: “Dẹp nghe chưa, không được làm mất mỹ quan đô thị!”. “Dạ, em sẽ làm gọn lại thôi, chứ dẹp rồi lấy gì sống, anh thông cảm”. Hai người hàng ngày cùng đưa đón con chung một cổng trường, thỉnh thoảng đậu xe gần nhau, Ba Bình lấm lét không dám nhìn. Khi ông ấy vào tù, rồi ra tù, lại đi đón con. Lúc ấy gặp nhau, Ba Bình vui vẻ hỏi: “Anh về từ bao giờ?”. Ông ấy lại quay đi. Trời xui đất khiến, khi ra tù, ông ấy dời nhà về ở gần với Ba Bình cũng là lúc Ba Bình được dân bầu lên làm phó ban điều hành khu phố kiêm tổ trưởng dân phố. Ông ấy làm môi giới nhà đất, thỉnh thoảng lại dựng bảng quảng cáo chiếm lòng lề đường, buộc Ba Bình phải nhắc nhở. “Lúc đầu mình cũng ngượng lắm ông ạ – Ba Bình nói – nhưng bây giờ thì hiểu nhau, thân thiện rồi”.

Hỏi kỷ niệm nào đáng nhớ nhất, Ba Bình nói cách nay hơn mười năm, khoảng chín giờ tối, có một người đàn ông say rượu, chạy chiếc Honda đến bỏ ngang dưới công viên rồi đi đâu mất biệt. Biết chuyện không bình thường nên thay vì về nhà, Ba Bình ngồi nán lại trông hộ chiếc xe. Đến nửa đêm, người đàn ông kia vẫn chưa trở lại, Ba Bình dắt chiếc xe về nhà rồi lên báo với công an phường. Hôm sau, khi nhận lại chiếc xe, người đàn ông ấy xúc động đến không nói nên lời. Ông lặng người nhìn ngôi nhà Ba Bình, toàn gỗ tạp, ván tạp, tôn vụn, thùng bia, cao su… ông giới thiệu mình là giám đốc một công ty vật liệu xây dựng khá nổi tiếng và nhã ý tặng Ba Bình một số cát đá, xi măng, gạch ngói để xây lại ngôi nhà. Ba Bình kiên quyết từ chối. Ông kia lại nói: “Thay vì anh phải ngồi sửa xe, để tôi đổ vật liệu cho anh bán, lời anh hưởng, vốn trả lại tôi”. Ba Bình lại từ chối: “Tôi chỉ biết sửa xe, không biết buôn bán”. Cuối cùng, người chủ xe chỉ còn cách kết bạn với anh.

Ba Bình nói, cuộc đời anh cũng như cái vòng xoay. Là người gốc Hà Nội, nhà dưới chân cầu Thăng Long. Năm 1978, cưới vợ xong đi lính hải quân, căn cứ đóng tại Vũng Tàu nhưng suốt mười năm cứ lênh đênh trên biển theo đội tuần tra. Mỗi năm về phép được một lần. Ba đứa con gái lần lượt chào đời trong bữa cháo bữa rau, gánh nặng mưu sinh oằn vai người vợ trẻ. Năm 1990, Ba Bình xuất ngũ. Nhìn lại đời lính chẳng có gì ngoài mấy trăm ngàn tiền trợ cấp, tom góp mua được năm chỉ vàng. Cha mẹ qua đời, để lại cho hai anh em một ngôi nhà nhỏ với vài trăm mét vuông đất. Nhưng người anh trai lại quá nghèo, phải gồng gánh năm đứa con ăn học. Ba Bình nói với anh: “Em sẽ làm giấy giao phần đất của em lại cho các cháu, vợ chồng em vào Nam lập nghiệp”.

Cháu tôi bây giờ đã học hành đỗ đạt, nhiều đứa giỏi giang, khá giả. Giờ mỗi lần tôi về thăm quê, đứa nào cũng dúi cho một ít tiền. Thấy chúng nó ngoan, mừng lắm! Nhiều khi tôi nghĩ, nếu ngày ấy mình không đánh bạo ra đi, biết đâu giờ anh em chú cháu chết chùm trong nghèo khó”.

Ba Bình nói, hồi mới vào đây, anh ở trọ nhà người chú họ gần chỗ này, thấy cái vòng xoay nhiều xe đạp qua lại, vậy là cầm cờ lê mỏ lết ra đây ngồi sửa xe. Còn vợ anh, chị Ngợi, lúc đầu đi làm trong nhà máy đông lạnh, người ta bắt làm vệ sinh, suốt ngày cứ cầm xô múc nước, dội rửa, sức khoẻ không chịu nổi, bỏ ra làm phụ hồ. Làm nặng đã đành, chậm một chút bị cai thầu mắng chửi. Thấy vợ khóc, Ba Bình bảo: “Thôi, ra bùng binh ngồi sửa xe với anh”. Ban đầu phụ việc, rồi thành thợ lúc nào không biết.

Bà chủ đất, chỗ Ba Bình ngồi sửa xe có hơn ngàn mét vuông bỏ trống, thấy Ba Bình hiếu thảo với người chú họ như cha ruột, đâm ra thương anh như con ruột: “Nhà chú mày chật hẹp quá, tao cho mượn cái nền chỗ sửa xe đó, cất nhà ở đi”. Ba Bình nói: “Ở rồi biết khi nào trả, hay là bác bán đi, cháu mua, nếu không đủ thì cho cháu nợ”. Bà lão, lấy bảy chỉ vàng. Năm chỉ vàng tích luỹ từ tiền trợ cấp ra quân, sửa xe hai năm mua thêm được hai chỉ, vừa đủ. Thế là Ba Bình có được cái nền hơn 80 mét vuông. Ba Bình đi mua cây vụn, tôn vụn, ván vụn, giấy carton vụn, thùng bia… đắp vá được một căn nhà. Ai dè năm năm sau, nhà chức trách hô giải toả, cư trú bất hợp pháp, không đền bù. Thế là đi kiện. Vừa kiếm sống vừa đi kiện. Nhọc nhằn cả năm. Cuối cùng cũng được đền bù một cái nền tái định cư trong hẻm.

Mười tám năm vật lộn với nắng mưa ở cái vòng xoay này, vậy mà Ba Bình luôn thanh thản, lúc nào cũng “bỏ áo trong thùng”, lúc nào cũng cười giòn với khách. Rảnh tay thì hai vợ chồng đọc báo, đọc sách. Mỗi cuốn sách mua về, cả nhà chuyền tay nhau đọc. Bữa cơm tối của gia đình cũng là cuộc đối thoại về sách, Ba Bình cho hay, cháu lớn Thuỳ Vân vừa tốt nghiệp đại học sư phạm toán – tin, vừa đi dạy vừa ôn thi cao học ở Sài Gòn. Ba Bình nói “con bé thứ hai rất tội nghiệp, hồi nhỏ học rất giỏi nhưng đùng một cái, bị viêm phế quản, tay bác sĩ chích thế nào bị phạm thuốc, con nhỏ á khẩu hơn một năm, sau đó trí nhớ bị chập chờn cho đến bây giờ. Con út, bé Mai Phong, vừa thi đại học, chưa biết kết quả ra sao”.

Từ giã Ba Bình, tôi về Sài Gòn được vài hôm thì bé Mai Phong gởi mail: “Chú ơi cháu đậu cả hai trường, đại học công nghiệp và y dược…”.

SGTT

Chữ tâm của người bẩn

Không thấy mặt đâu, chỉ có đôi giày nhựa cũ đầy dầu mỡ, chiếc quần đầy dầu mỡ thấp thoáng dưới gầm chiếc xe tải to đùng và cái giọng têu tếu theo kiểu tuồng chèo: “Ai tìm Tự này ấy nhỉ? Tin lành hay tin dữ nào?”. Cạnh chiếc xe tải hạng nặng là chiếc xe đạp bé xíu, màu đỏ của nó được phủ lên một chất sền sệt có màu tổng hợp của nhớt xe, bụi đường và mỡ cùng bộ đồ nghề đơn giản. Đấy là hình ảnh quen thuộc của ông Tự làm nghề bơm mỡ xe đất cảng.

Mười năm “ở bẩn”

Kiếm kẻ “ở bẩn” tiếng tăm như ông Tự – bơm – mỡ – xe kể cũng chẳng khó khăn gì giữa đất Hải Phòng tuy có rộng. Chỉ cần ra bãi xe Cảng 1 Hải Phòng hay hỏi dò vài người lái xe đang ngồi sau tay lái là biết ngay. Thậm chí, từ bà bán nước chè, anh xe ôm hay bác bảo vệ ở đấy, ai cũng đều rõ mười mươi ông Tự già chuyên bơm mỡ xe tải. Ngoài ra, các câu chuyện “khuyến mãi” làm quà kèm theo và cả số điện thoại di động, số điện thoại nhà và địa chỉ nhà ông Tự cũng được truyền khẩu rộng rãi.

Tự – bơm – mỡ từ lâu đã là một “thương hiệu” có tiếng của ông già kiếm sống từ những chiếc xe khô mỡ sau những chuyến hành trình dài.

Ngày xưa ông Tự nguyên là quản đốc ở nhà máy thuỷ tinh Hải Phòng, có lúc được thay mặt cả giám đốc để giải quyết công việc. Nhưng rồi ông xin nghỉ hưu trước tuổi, vì “cơ chế kinh tế thay đổi. Những người chỉ làm việc bằng kinh nghiệm như bá (bác) không còn phù hợp nữa. Rút về cho lũ trẻ lên thay là hợp lý nhất”.

Ra ngoài làm cái nghề nói theo cách Tự – bơm – mỡ là “bẩn nhất đất Hải Phòng” lại khiến ông thoải mái hơn trước nhiều. Dân lái xe đường dài ngồi uống bia, uống chè, rít thuốc lào soòng sọc nhác thấy bóng ông Tự từ xa lập tức đặt cốc chén, gác điếu cày chạy ra đường réo ngay vào. Ông già làm việc rất cẩn thận lại vui tính, dễ dãi nên mọi người rất khoái.

Nghề bơm mỡ muốn kéo dài hay thu ngắn thì tuỳ vào tay nghề người thợ và lương tâm của họ nữa. Làm việc kiểu cẩn thận thì rất tốn thời gian bởi từng răng, khớp, cốt, trục của xe đều có những quy luật riêng về vận động. Muốn bơm mỡ đúng chỗ, bơm đủ lượng thì phải rõ xe như lòng bàn tay. Mà dân lái xe thì kiểm tra tay nghề thợ bơm mỡ nhanh lắm, chỉ cần vận hành một tuần thấy không “êm” chân ga, chân thắng hay trục xoay là biết ngay. Kiểu làm ăn chụp giật như dân cơ khí đánh giá là “cho bò ăn cám” (chỉ bơm được khoảng 7/10) thì chỉ cần 30 – 45 phút là xong. Các mối trục, khớp, lỗ bơm bên ngoài đầy mỡ nhưng hộp mỡ bên trong có khi vẫn khô khốc. “Làm kiểu ấy thì mất uy tín và “ăn cám” thật chứ chẳng chơi. Làm nghề nào cũng cần một chữ tâm con ạ!”, ông Tự kết luận sau một thoáng trầm ngâm.

Chỉ gặp ông Tự một lần sẽ cảm nhận được cuộc đời này có một “chất bôi trơn” bình dân, như cái nghề bơm mỡ của ông, thú vị đến dường nào

Muốn “giải quyết” một xe tải trên 10 tấn phải mất từ một tiếng rưỡi đến hai tiếng, không thể nhanh hơn được. Trông công việc có vẻ đơn giản thế nhưng bụi đất bám vào rất dễ nghẹt mỡ ở mỗi lỗ trục.

Tính từ lúc bắt đầu nghề bơm mỡ xe, ông Tự đã có mười năm kinh nghiệm với dầu mỡ và… gầm xe. Nhưng đó chỉ là một phần chân dung của ông già tự nhận “bẩn nhất đất Hải Phòng” này…

Làm ra làm, chơi ra chơi

Alô, ai đấy ạ! Vâng, tôi Tự đây…”. Đấy là “điệp khúc” quen thuộc ông Tự trả lời điện thoại khách hàng vang lên mỗi ngày dưới gầm xe ô tô.

Bãi xe nào cũng đông nghịt và lượng xe ra vào thường xuyên cùng những tiếng còi chói tai, tiếng động cơ gầm rú khiến câu chuyện điện thoại của ông già với những đoạn “tenor” (giọng cao) vang vang “Gì cơ ạ?”, “À vâng, vâng…”, “Thông cảm nhé, đang làm ở bãi…” v.v... hay bị ngắt quãng.

Những bãi xe ở Hải Phòng như Bãi 1, Anh Đức, Trang Anh… hay nhiều xe từ Đà Nẵng, Sài Gòn… ra cảng đều là mối quen của ông nên chuyện “chạy show” lúc cao điểm là khó tránh khỏi.

Những chiếc xe đường dài không thể thực hiện một quy trình bảo dưỡng đúng nghĩa vì chỉ có thể dừng một buổi để chất hàng và tiếp tục lên đường. Các chủ xe sẽ gọi ngay ông Tự và hình ảnh trên xe đang chất hàng, dưới gầm xe có một ông già chui ra chui vào đã trở nên quen thuộc với người đất cảng. Mỗi ngày ông Tự bơm mỡ cho 2 chiếc xe, lúc cao điểm thì 5 – 6 chiếc là thường. Thậm chí, có dịp gần tết xe đông, ông phải làm cho đến chiều tối 30 mới về đến nhà. Không phải là già Tự cố kiếm thêm đồng ra đồng vào mà bởi cái ân tình của những mối quen khó bỏ. “Người ta có sự mới phải nhờ mình lúc ấy. Bá không làm cũng thấy áy náy lắm”, ông nói.

Bận kinh khủng nhưng già Tự cũng chịu chơi lắm. Ông làm xong chiếc xe là lau tay, thay chiếc áo đen bóng một lớp mỡ, bụi nhớt dày cộm bằng một chiếc áo ít lấm hơn để ra tiếp khách đàng hoàng. “Xe còn lại à? Lát nữa làm tiếp, mình thư giãn tí để làm kỹ hơn và còn tiếp khách đường xa chứ!”. Ông Tự cười, vui vẻ trả lời khi được hỏi như thế có ảnh hưởng đến công việc của ông hay không.

Ngồi với ông có thể nghe thơ Tố Hữu, chuyện làng báo từ thời nhà báo Hữu Thọ đến những vấn đề “nóng hổi” thời gian qua như chuyện bài thơ Mùa xuân nhớ Bác của Phạm Thị Xuân Khải trên báo Tiền Phong một dạo, chuyện đội mũ bảo hiểm ra đường năm nay,…

Thú vị nhất là chuyện ông kể về gia đình mình với vợ và ba cô con gái đã đi lấy chồng. Còn mỗi cặp vợ chồng già thủ thỉ nên vợ chồng ông chiều chuộng nhau hết mực. “Tối thứ bảy, chủ nhật nào cũng đạp xe chở bà nó đi dạo phố, đi cafe nhé!”, ông cười sung sướng khi nhắc đến chuyện này.

Chỉ gặp ông Tự một lần sẽ cảm nhận được cuộc đời này có một “chất bôi trơn” bình dân, như cái nghề bơm mỡ của ông, thú vị đến dường nào. Bàn tay to bè, chai sạn ngả một màu vàng nâu rất giống mỡ bò của kẻ làm nghề “bẩn nhất đất Hải Phòng” dễ khiến người ta có cảm nghĩ: “Nghề nào cũng có trạng nguyên” và nghề “ở bẩn, chui gầm” đầy uy tín của ông Tự thật ra rất sạch.

Bác sĩ Vespa

Giới chơi xe cổ, đặc biệt dòng Vespa ai cũng phải tìm cho mình những “bác sĩ” thứ thiệt, để mỗi khi con xe làm mình làm mẩy phải đưa đến khám “bác sĩ”. Nghề “bác sĩ” Vespa được anh em chơi xe cổ gán cho những thợ sửa Vespa lành nghề đất Sài Gòn

Tư Trung sửa xe cho thân chủ trong chuyến diễu hành ở Đà Lạt

Độ hơn ba năm trở lại đây, môn chơi Vespa cổ vào thời cực thịnh, những dòng xe Acma, Standard, Sprint, Super, PX, Lambretta… lần lượt đựơc săn lùng, sở hữu, xuất khẩu sang nước ngoài rầm rộ. Thợ sửa Vespa cũng theo đó lên đời.

Lượng thợ sửa xe Vespa cổ ở Sài Gòn không nhiều, kiếm được những ông thợ lành nghề, hiền dịu, dễ thương – ở đây đề cập đến chuyện không chặt chém khách hàng, không chảnh, có “tâm” với nghề – lại càng khó, có thể đếm không quá đầu ngón tay. Hơn nữa, những hậu bối theo nghề xe cũng ít người chịu học món sửa Vespa cổ, bởi tính đi tính lại lượng xe này cũng có còn mấy đâu ở xứ Sài Gòn. Số thợ lành nghề còn trụ lại được, ít nhiều do uy tín, và đam mê mới trụ lại với nghề.

Những điểm sửa Vespa mà dân chơi xe cổ ai cũng nghe qua có thể kể đến ở đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (gần bến xe Miền Đông), Võ Thị Sáu, Lý Thái Tổ… mỗi nơi mỗi cách sửa, mỗi ông “bác sĩ” chuyên trị từng dạng bệnh khác nhau. Nổi bật trong giới “bác sĩ” Vespa mà anh em chơi xe của nhóm Vespavn khắp miền đất nước ai cũng biết tên tuổi, diện kiến hàng năm trong mỗi kỳ hội ngộ ba miền là “bác sĩ” Tư Trung – một thợ sửa Vespa khá “tanh tưởi” trong làng nghề.

Dân chơi xe Vespa cổ biết đến Tư Trung bởi tính tình giản dị, dễ mến, thời dân chơi xe chưa rành rẽ về bịnh tật của con chiến mã cưng, chạy lang thang ngoài đường đứt dây thắng, đứt dây số, sút cái chụp bugi… không biết đường nào mà lần, lại gọi điện đến Tư Trung, và bất kỳ đâu, bất kỳ giờ nào quanh Sài Gòn ông “bác sĩ” này cũng nhiệt tình mò đến để sửa chữa giúp anh em, giải đáp những thắc mắc, những chứng bịnh thông thường về xe để bữa sau gặp sự cố biết cách “mần” cho êm – tất nhiên với giá cả rất hữu nghị.

Bác sĩ” Tư Trung giờ ngày nào cũng tất bật với công việc làm – sửa – độ Vespa ở gần bến xe Miền Đông. Và những lần hội ngộ đây đó khắp các tỉnh, dân chơi Vespa bao giờ cũng kiệu ông “bác sĩ” này đi cùng để lo khâu săn sóc đặc biệt cho những con xe cổ lâm bịnh dọc đường.

SGTT

Thợ thầy là một

Tiệm sửa xe gắn máy ở mặt tiền đường Cách Mạng Tháng Tám tồn tại 20 năm qua không bảng hiệu, “không phải chịu một đồng thuế nào, khách cứ thấy tôi là đưa xe vào sửa”, ông Lộc chủ tiệm nói

Nhiều trường hợp xe vừa rề tới, không thấy chủ hay chủ đang lúi húi với một ổ máy nào đó, khách nói với thợ, “đi đây chút quay lại”. Nhiều lần để ý với kinh nghiệm hơn 20 năm trong nghề, ông Lộc cho biết “người ta thích mình chớ không thích thợ sửa xe”. Chẳng phải ông Lộc đẹp trai, ăn nói có duyên, dễ gây thiện cảm mà thích cái cách ông bắt bệnh chiếc xe và cách ông sửa chữa.

Tận tuỵ với nghề

Bộ đồ nghề của ông luôn sạch bóng, đưa cái vít vào xe chỉnh hay mở cái gì, như một thói quen, lau đầu vít trước khi thực hiện; khi vội, quẹt đầu vít lên quần mới vặn. Chỗ sửa xe lúc nào cũng gọn gàng sạch sẽ. Khách yêu cầu tăng sên, không bao giờ ông quên rỉ nhớt lên sên cũ và cả tiện tay, tăng luôn thắng sau; thấy bánh xe mềm thì bơm thêm. Nếu thay bộ ba: sên – nhông – dĩa, dù không dính dáng gì, ông đều móc sạch dầu, đất bám ở những cạc-te trước khi lắp nó vào lại... Tất tất, ông là người chủ, người thợ tận tuỵ với nghề, làm việc đầy nhiệt tình. Chính lẽ đó mà khách hàng của ông Lộc cỡ vài trăm người quen, từ công nhân viên chức của các cơ quan ban ngành đoàn thể cho đến các công ty, xí nghiệp, người dân đóng trên địa bàn phường 4, 5 quận 3; “rộng hơn, khách ở xa hơn nữa người ta cũng tới, quen mặt hết à!”, ông Lộc cười một cách thân thuộc.

Không bảng hiệu nhưng khách quen hầu như đều biết điện thoại bàn, di động của ông. Nhiều lúc khách chỉ cần alô “là tôi đến tận cơ quan, nhà hay đâu đó mang xe về sửa; chiều, mai gì đó khách đến lấy xe về”, ông Lộc kể dễ dàng như một dịch vụ lưu động. Khách bỏ xe sửa, không có phương tiện đi lại, chủ tiệm sẵn lòng cho mượn chiếc DH88 cũ mèm – “chân chạy” của ông Lộc. Chiếc xe “nghĩa địa” này cách nay hơn 10 năm ông vào kho sục mua, đạp không xăng không lửa, chỉ để nghe tiếng quay và áp lực máy thôi mà đến nay vẫn chưa rã máy. Xe còn nguyên xi, đề một phát... nổ, chạy rất bốc và êm ru, dù trước đó người ta đã chạy nhừ cả rồi – chạy thử mới thấy đúng là xe nhà nghề.

Để bắt bệnh máy xe, ông chỉ cần nổ máy nghe tiếng hay chạy thử một vòng là có thể đưa ra những triệu chứng như pít tông, bạc lỏng; sên cam giãn; dên bị rơ; xú páp ra sao hay bộ phận xăng - lửa có vấn đề... Sau khi tốt nghiệp trường kỹ thuật Cao Thắng và trường kỹ thuật cơ khí, ông Lộc ra mở tiệm ngay. Đến nay đã 23 năm hành nghề nên nhuần nhuyễn đến độ “cho ai đó rã máy ra đi, dồn vào một khay, tôi xốc xốc một hồi biết thiếu cái gì, cái gì hư phải thay...”, ông Lộc đoan chắc vậy.

Đã nhiều trường hợp bị lấy mất hay bị thay con IC dỏm, vì nó nằm ở ngoài cốp xe, dễ tiếp cận; “khách quen, tôi đều giấu IC vào trong sườn hết, tụi nó đổi rồi còn làm dấu để biết xe đó đã luộc rồi!”, ông Lộc lắc đầu. Hôm rồi tôi đến thay sên xe máy, ông Lộc phát hiện ốc cốp phía gắn con IC mất, nhưng tay bất lương nào đó đã... bó tay! Chính sự nhiệt tình vậy mà bảy tám năm nay, dù cách xa chừng chục cây số tôi vẫn mang xe lại sửa chỗ ông; trừ phi xe xẹp bánh phải vá dọc đường.

Còn đó – “hữu xạ tự nhiên hương”

Từng có người nhận vào phụ trách về kỹ thuật ở những trạm sửa chữa bảo trì cho hãng xe lớn, trả lương bằng đô la; cho sang Thái Lan học một khoá... nhưng ông Lộc từ chối – “lương khá nhưng có bền đâu!”. Nhiều người quen thắc mắc, “sao ông không làm chủ chỉ huy, mở lớn ra, làm rầm rộ cho phất lên?”. Ông Lộc nói, nếu làm lớn “sẽ mất khách”, khi đó đứng chỉ tay cho thợ làm, người ta không thích... và “tôi cũng chỉ thích tự làm trực tiếp, quyết đoán, tôi khó ở chỗ đó!”.

Trước đây “xưởng Lộc” đóng ở mặt tiền, có đệ tử học nghề, nơi khác thường lấy một đứa năm ba chỉ vàng; với ông Lộc thì không mà còn cho ăn cơm, cà phê cà pháo. Giờ học trò tên Khoẻ đã thành đạt, mở tiệm lớn gần chân cầu Mỹ Thuận, lâu lâu lên Sài Gòn thọ giáo thêm ở thầy, tư vấn lấy phụ tùng xe... về Tiền Giang hành nghề. Nay “xưởng” vào hẻm nhà, thầy cũng Lộc, thợ cũng Lộc...

Từ năm 2006 đến nay phải trả lại mặt bằng, dời tiệm về nhà trong hẻm sâu 376 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3 mới gắn bảng hiệu nhỏ chỉ cỡ cái laptop với chữ... Lộc; thế mà lượng khách quen không suy suyển. Đến độ có một bà giáo viên người Pháp biết tiếng Việt lơ lớ đi xe Attila vừa rồi, hỏi thăm quán nước kề tiệm cũ cũng mò vào được hẻm 376 sửa xe. Ông Lộc kể, “hơn hai năm rồi mà bà Pháp vẫn nhớ”, báo cho bà ấy biết xe bị hư con IC, bà nói, “phai thay mơi chay chư!”.

SGTT

Sáng ngồi tiệm nước

Sáng sớm gặp nhau, người Tiều hay nói: “khựa tè láo”, người Quảng: “dẩm ca phé”, người Việt: “cà phê?”

Tiệm nước của ông Lưu Nhân Thanh. Ảnh: Hồng Thái

Ngày ấy…

Sáng sáng, bất kể nắng mưa, như thói quen mọi người lại rủ nhau ra tiệm nước uống cà phê, tán gẫu, đánh cờ…

Ông Kim Thuỷ, 65 tuổi (quận 11), kể: “Có tiệm nước còn bán điểm tâm nữa. Ở quán của người Quảng thì phục vụ bàn kêu thực đơn bằng mấy câu hát Quảng. Kêu món gì tụi nó cũng hát được. Tui là người Tiều nghe không hiểu nhưng thấy hay, thích lắm!”.

Các tiệm nước có trang trí bảng hiệu, trên tường hoặc trên kiếng dán các câu liễn bằng chữ Hoa. Trong tiệm bày các bộ bàn ghế bằng gỗ dọc theo vách tường. Nơi pha cà phê thường được đặt sâu phía trong tiệm. Đó là một cái kệ xây bằng xi măng, được lát gạch men sạch sẽ. Bên hông kệ là một vài cái bếp than lúc nào cũng đỏ lửa với ấm nước luôn sôi sùng sục.

Nét đặc biệt ở các tiệm nước là cà phê pha bằng vợt. Đầu tiên, cà phê được bỏ vào trong một cái vợt bằng vải trắng. Đặt vợt vào trong cái siêu đất rồi rưới nước thật sôi vào. Đợi vài phút cho cà phê ra thì đổ vào trong một cái ấm nhôm. Khi có khách, người bán chỉ cần rót cà phê ra bán. Sau đó, đặt ấm cà phê trên một cái khay, đổ nước xung quanh rồi đặt trên bếp than riu riu lửa. Đây là bí quyết giữ cà phê luôn nóng mà không bị chua.

Kỹ thuật pha cà phê là làm sao để cà phê trong vợt tròn vo như quả bóng. Sau đó, “quả bóng cà phê” nổ “bụp” một tiếng là hương cà phê toả ra ngào ngạt. Rót cà phê ra một cái ly nhỏ, thêm một hoặc hai muỗng nhỏ đường cát trắng vào rồi khuấy đều. Lúc này, nhấm nháp từng muỗng cà phê thơm phức còn nghi ngút khói thì không gì sướng bằng.

Và bây giờ…

Chạy vòng quanh khu vực Chợ Lớn thật khó mà tìm ra một tiệm nước đúng nghĩa như ngày xưa. Các tiệm nước giờ đây đã thay đổi chủ, người thì xuất ngoại, kẻ chuyển nghề hoặc đã mất.

Dọc theo hai con đường Hàn Hải Nguyên, Nguyễn Chí Thanh chỉ có một số ít tiệm nước còn bảng hiệu. Một trong những tiệm hiếm hoi còn lại là tiệm Lâm Vạn Hưng trên đường Hàn Hải Nguyên, quận 11. Chị Lâm Xuân Hoa, chủ tiệm nước cho biết tiệm này do ông nội chị dựng nên cách nay khoảng 50 năm. Hiện nay, chỉ bán lai rai cho khách hàng quen từ xưa tới giờ, không còn tấp nập như trước đây. Trong tiệm vẫn còn bộ bàn ghế bằng gỗ từ thời ông nội chị mới mở quán.

Nằm sâu trong một con hẻm trên đường Tân Phước, phường 6, quận 11 là tiệm nước của ông Lưu Nhân Thanh. Tiệm ông Thanh vẫn giữ được nét xưa từ cái bếp pha cà phê có cái ống thổi lửa to đùng mà theo một bà khách quen tại tiệm cho biết là “cái đồ nhóm bếp kỳ lạ của ông chủ tiệm”. Cảnh xưa của tiệm toát lên từ cái vách gỗ đen kịt, trước cửa dán những tờ liễn đỏ. Bên ngoài đặt hai bộ bàn ghế gỗ: một cao, một thấp. Bên trong nhà cũng có hai bộ bàn ghế như vậy. Ông Thanh tự hào nói: “Muốn biết tui bán bao nhiêu năm, nhìn bộ bàn ghế này thì biết!”. Bộ bàn ghế đã lên nước bóng loáng do được lau chùi nhiều. “Hai mươi bảy năm rồi đó”, ông Thanh nói. Chỉ cần vài ngàn đồng là có thể vào tiệm nước uống thoải mái vì giá cả bình dân.

Tuy nhiên, chị Nguyễn Ngọc Vân, 27 tuổi, (quận 11) cho rằng: “Cà phê phin uống đậm đà hơn. Bây giờ không ai uống cà phê nấu bằng cái siêu đâu”.

Ông Lâm Thuận, 73 tuổi, chủ tiệm nước nằm trong một con hẻm trên đường Thái Phiên, phường 2, quận 11, nói: “Bán cà phê chỉ đủ sống thôi, không có làm giàu được đâu! Tui bán cà phê hơn 50 năm rồi! Có tám đứa con không đứa nào theo nghề này”. Tiệm nước của ông Thuận chỉ có hương vị cà phê như xưa do chính tay ông pha.

Trong khu vườn cối

Không cây cỏ, hoa lá, chỉ có cối đá được sắp đặt thành từng trụ ngay ngắn với số lượng lên đến 1.500 cái lớn nhỏ khác nhau. Khu vườn cối ấy thuộc sở hữu của một cô gái sinh năm 1977, nhưng đã có 10 năm sưu tầm cối đá khắp vùng non nước Khánh Hoà

Tâm tư cối đá

Một góc vườn cối của Hiếu

Vĩnh Ngọc – một làng quê nằm ven sông Cái, ngoại ô phố biển Nha Trang, nổi tiếng với nghề dệt chiếu, làm bánh mì, nặn đất, làm gạch, đúc lò… Những năm gần đây, Vĩnh Ngọc lại được biết đến bởi có một khu vườn cối đá độc nhất vô nhị. Gặp chủ nhân – chị Nguyễn Thị Minh Hiếu – chị kể chuyện sưu tầm : “Mình rất thích hình tròn bởi nó tượng trưng cho sự hoàn hảo, trọn vẹn, và từ chiếc cối đá được ngoại cho cách đây 10 năm, mình bắt đầu sưu tầm cối đá từ đó”.

Chỉ đơn điệu với hai thớt cối, dáng ngoài giống nhau, công dụng như nhau, nhưng với đam mê cối đá tột bậc của mình, Hiếu lý giải: “Mình đọc trong cối đá vẻ đẹp của lòng chung thuỷ, sự chịu đựng của người phụ nữ. Cối phải hai thớt, thiếu một, cối không còn là cối nữa. Cối đá được xem như câu chuyện vợ – chồng, người vợ như thớt dưới, trong vòng xoay cuộc đời bao giờ cũng âm thầm cam chịu, và trong cuộc sống gia đình, lúc nào cũng phải có chồng có vợ mới làm nên chuyện. Thớt trên xoay, thớt dưới chịu đựng, từ cối đá nuôi nấng bao con người. Chiếc cối hoàn hảo, phải liền mạch, ăn khớp giữa hai thớt, nếu sai lệch công năng cối không còn. Cối đá do đàn ông tạc ra, nhưng người sử dụng thường là phụ nữ và trong khi xay cối, biết bao tâm tư được gửi gắm trong từng vòng xoay ấy”.

Hiếu sưu tầm cối đá còn bởi lẽ: “Cối gắn liền với lịch sử bao đời, bao con người từ tầm thường đến bậc vỹ nhân của Việt Nam, sinh ra và lớn lên cũng nhờ lương thực xay ra từ cối. Cối bao quát nhiều điều gần gũi, giản dị trong từng gia đình giàu – nghèo, cối mang nhiều hoàn cảnh, vị trí, thái độ đối xử khác nhau”. Chính những cảm nhận phong phú ấy đã khiến đam mê sưu tầm của Hiếu ngày càng mãnh liệt với những chiếc cối đá.

Khu vườn cối

Một chiếc cối hiếm hoi có ghi năm sản xuất

Hiếu bày tỏ: “Mình thuộc thế hệ giao thời giữa cũ và mới, nằm trong nhóm tuổi những người không sử dụng cối đá nhưng qua nhiều câu chuyện, và nhất là những hình ảnh quen thuộc của chiếc cối đá trong mỗi gia đình người vùng quê, ai cũng công nhận chiếc cối đá là một phần quan trọng trong cuộc sống của họ. Vì vậy mình muốn giữ lại những giá trị quý giá ấy. Thợ làm cối nay mai một dần, vì chẳng còn ai cất công sử dụng cối đá xay bột, xay gạo như ngày xưa, trong khi đó thân phận cối đá bị bỏ lăn lóc chỏng chơ, bị đối xử phũ phàng, mình chỉ muốn tạo một không gian cho cối sống lại, cho mọi người khi nhìn vào thấy được vẻ đẹp của nó”.

Quả thực, nói như Hiếu, một cái cối không gì ấn tượng, 10 cái cũng thế, nhưng hơn 1.500 cái cối lại là một câu chuyện khác, một cái nhìn kinh ngạc của tất cả những ai đã từng ghé qua vườn cối của Hiếu.

Trong bộ sưu tập cối của Hiếu, mỗi chiếc cối mang một câu chuyện, một tình cảnh, một góc độ đời sống khác nhau. Hiếu kể lại câu chuyện bà cụ đã ngoài 70, được con đưa xe hơi đến tận vườn cối của Hiếu với mục đích tìm lại chiếc cối bỏ ở vườn nhà bị mất. Bà kể cho Hiếu nghe chiếc cối đá ấy là vật kỷ niệm khi bà lập gia đình, được ba mẹ chồng mua tặng sử dụng. Nay đã ngoài 70, chiếc cối mới bị ai đó lấy mất và bà muốn tìm đến vườn cối chuộc lại vì biết rằng cối đá Khánh Hoà rồi cũng tập trung tại vườn cối của Hiếu. Nghe chuyện, Hiếu mời bà cụ ra vườn cối để tìm chiếc cối theo miêu tả, nhưng tìm mãi không ra. Hiếu cho biết: “Nếu cụ tìm ra đúng chiếc cối đá kỷ niệm ấy, mình sẵn sàng trả lại. Mình muốn để cụ thấy rằng cối đá không quý về giá trị tiền bạc, nhưng còn nhiều giá trị khác mà người chủ cối không biết giữ, mình sẽ thay họ giữ trọn những giá trị ấy”

Ngẫu hứng cối đá

Với Hiếu, mỗi chiếc cối mang một câu chuyện

Hiếu cho hay: “Giữ đam mê suốt 10 năm là cả vấn đề, nhiều người bảo mình bị khùng vì bỏ tiền mua thứ vớ vẩn”. Nhưng càng ngày, bộ sưu tập càng dày lên, những lời ra tiếng vào cũng dần vơi đi, và đến khi bộ sưu tập của Hiếu như hôm nay thì chỉ còn sự kinh ngạc, thán phục lẫn ngưỡng mộ khu vườn cối của Hiếu.

Hiếu tập trung gần như hầu hết cối đá vùng non nước Khánh Hoà trong khu vườn cối của mình. Chiếc nhỏ nhất có đường kính 10cm, chiếc lớn nhất đường kính 1m. Tuy là đá, niên đại làm cối thật khó xác định, nhưng trong bộ sưu tập cối đồ sộ của mình Hiếu có được hai cối ghi rõ năm sản xuất, một cái ghi năm 1938, cái còn lại ghi ngày 20.10.1986 ngày kỷ niệm thành lập hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Tìm cối không khó, nhưng tìm những câu chuyện ẩn hiện trong chiếc cối mới là những điểm nhấn thú vị mà Hiếu tâm đắc trong bộ sưu tập.

Hình dáng cối giống nhau, nhưng phân biệt hai loại rõ rệt, loại không có tai, và loại có tai, với nhiều chất liệu đá như đá đen, đá granite, đá tổ ong, đá xanh… Cối đá trong vườn được Hiếu bố trí hai mảng chính, sắp đặt theo hình trụ từ nhỏ đến lớn, và một mảng sắp đặt cẩu thả, thể hiện sự đổ nát, hoang phế. Chiếc cối ở mỗi nhà có hoàn cảnh khác nhau, khi về với Hiếu, tất cả dựa vào nhau, lớn nâng đỡ nhỏ để tạo thành một tổng thể giá trị. Chúng tạo nên cái đẹp cả về ý nghĩa lẫn hình thức, cho những ai chiêm ngưỡng khu vườn cối đều thấy rõ sự nâng niu, chiều chuộng của chủ nhân dành cho những chiếc cối tưởng chỉ là vô tri vô giác, nhưng lại ẩn chứa nhiều điều thú vị.

SGTT

Đời bạn câu

Hắn có những nét khác biệt hẳn những bạn câu cùng ghe. Đi biển, chẳng có mống nữ nào, thế nhưng hắn vẫn diện áo sọc ca rô, tóc ép ngược, một bên tai đính bông. Điện thoại di động thì cứ mỗi tối lại ò í e thì thầm nhỏ to tâm sự, tán tỉnh qua lại giữa biển với bờ…

Bạn câu Danh trong một chuyến biển hồi tháng 9. Chỉ mới 22 tuổi đời, thế nhưng bạn câu Bùi Thanh Danh, một “lính mới” của ghe câu thuyền trưởng Khánh, đã có thâm niên nghề biển đến gần chục năm. Ảnh: Trần Việt Đức

Bỏ học theo ghe

Năm 13 tuổi, lúc học lớp sáu, Danh đã bị “buộc thôi học” chỉ vì dính vào những trận đánh lộn liên miên với đám thanh thiếu niên cùng trường.

Nhà Danh ở ngã ba Thầy Thím, Hàm Thuận Nam, Bình Thuận. Để theo học cấp hai, Danh phải đi lên tận Tân Hải, cách nhà 6 – 7 cây số. Điều không may cho anh chàng thuỷ thủ tương lai này là anh đã lọt vào “mắt xanh” của một nhóm thanh thiếu niên người địa phương chuyên bắt nạt, trấn lột những học trò ở xa đến học. Những trận đòn liên tiếp đã khiến cho cậu bé Danh hoảng sợ, bỏ học, xin theo nghề biển.

Những cậu bé như Danh khi lên ghe thì chỉ có thể làm “con em” dài hạn trên ghe. Theo sự phân cấp trên ghe thì “con em” chính là những “Oshin”, là người chuyên nấu ăn, dọn rửa, làm việc vặt trên ghe. “Con em” lo việc ăn uống, cà phê cà pháo cho bạn câu, dọn rửa, chà sàn, giũ lưới… nhưng không được đụng đến đồ câu. Phải qua cả một quá trình phấn đấu gian khổ thì các “con em” mới được “nâng cấp” thành bạn câu, nhường “chức danh” ấy lại cho một lính mới nào đó…

Vốn mê biển nên cậu bé Danh dễ dàng chấp nhận làm “con em” trong gần bốn năm trời. Danh còn nhớ, phải đến ba bốn “lèo” (chuyến biển) thì cậu mới quen việc. Thế nhưng ngay chuyến đi biển đầu tiên, với phần chia được triệu mấy, cậu “con em” này đã thấy yêu cái nghề tuy vất vả nhưng cũng kiếm được khá tiền.

Đời bạn câu gần chục năm, qua gần hai chục chủ ghe, Danh ấn tượng nhất là những chuyến đánh cá xa.

Đó những chuyến đi câu thật vất vả. Các ngư dân câu bủa, mỗi lần đánh cả ngàn lưỡi câu. Họ thường đánh đêm, không chong đèn to mà chỉ chong đèn nhỏ như loại đèn trái ớt. Có những chuyến bủa câu, ghe Danh kéo lên cả trăm con cá, đa số là cá mập, cá cờ, có con 50 – 70 ký, có con cả một hai tạ.

Đối với những con cá cỡ một hai tạ, những bạn câu không khấu bắt lên ngay mà phải dùng lao phóng cho chết rồi ba, bốn người mới khấu lên ghe.

Mắc nợ hải hồ

Sau chuyến thoát thân từ vùng biển lạ về, Danh lên bờ học nghề thợ hồ. Lên thợ, thu nhập khá ổn định, thế nhưng Danh vẫn thèm cá, nhớ biển. Làm hồ chỉ được một năm, Danh xin theo ghe của thuyền trưởng Khánh, một ghe câu thường chở các dân câu thuộc câu lạc bộ câu cá Bốn số 9 TP.HCM đi câu ở vùng biển Côn Đảo.

Ít có cái nghề nào gian nan, vất vả như nghề câu biển. Ban ngày thì dầm mưa dãi nắng ngồi câu, ban đêm lại không được nghỉ vì phải làm mực để có mồi câu cá. Sóng gió thất thường, những ngày biển động, trời thổi, có khi mưa gió suốt cả tuần, không thấy mặt trời. Những ngày biển động, mưa tạt ướt cả vào trong khoang, kiếm một chỗ khô để ngủ cũng khó.

Một vết thương nhỏ trên ghe như bị cá đâm, cá cắn nghiêm trọng gấp mười lần vết thương tương tự trên bờ vì các ghe câu thường không trang bị gì nhiều những phương tiện sơ hay cấp cứu. Bị bệnh nặng đột xuất mà không kịp đưa về đất liền là chết như chơi. Đó là chưa kể những tai nạn “lãng nhách” nhưng rất thường xảy ra đối dân làm nghề biển, đó là chuyện nhậu nhẹt say sưa, gây gổ đánh nhau, bị đâm chém hay “lọt sông” (rớt xuống biển) chết mất xác khi đi lại trên ghe.

Thưa cá thì ít tiền, khi trúng cá như khi mùa cá thu thì phải làm cật lực để câu cá được thật nhiều. Đến thời điểm cá ăn rộ, ngay cả đến bữa ăn cũng không có giờ mà các bạn câu thường chỉ ngồi tại chỗ, ăn cơm vắt, câu đến hoa mắt chóng mặt…

Vất vả là vậy, nguy hiểm nữa, thế nhưng có mấy ai đã từng vùng vẫy cùng sóng gió lại chịu được cảnh tù túng trên đất liền? Như Danh, bảo là sẽ đi lại vài “lèo” để đỡ nhớ biển, nhưng chắc sẽ là vài chục, vài trăm lèo, gắn bó mãi với cái nghề đã thành nghiệp…

SGTT

Ăn năn


Xin nói ngay là không phải ăn năn sám hối mà là ăn đọt cỏ năn

Gần đây ở Bạc Liêu phong trào nuôi tôm phát triển, người ta “sàng lọc” ở những ruộng nuôi tôm quảng canh và trồng năn thì năng suất tôm rất cao. Thế là người ta đổ xô trồng năn trở lại. Vừa nâng cao năng suất tôm vừa có có đọt năn bán hàng ngày. Từ đó ở các chợ huyện chợ tỉnh có rất nhiều người đi hái đọt năn để bán.

Năn là một loại rau sạch lại giúp ruộng tôm tăng năng suất, trở thành thứ cây trồng thời thượng tại Bạc Liêu

Cách đây một tháng tôi có đi xã Vĩnh Hưng, một vùng quê xa lắc của tỉnh Bạc Liêu rồi ghé thăm mẹ của một người bạn. Thấy có khách quý, bà già “móc ruột” ra đãi bằng món đặc sản của đồng quê, đọt năn ba món; năn xào thịt trâu, năn chấm mắm kho, năn làm dưa chua. Những món ăn cũ còn in trong ký ức lâu ngày.

Trước, có những lúc mảnh ruộng năn “lấn” lúa đến lúa mọc không nổi. Thế nhưng năn mọc đến đâu là hình thành hệ sinh thái rất lạ đến đó và có những lợi ích khác. Những nơi nhiều năn là những vùng đất rất giàu sản vật của đồng đất như: cá đồng, lươn, rùa, rắn…

Đối với trẻ chăn trâu vùng Bạc Liêu ngày xưa thì đồng năn đã đỡ đần họ nhiều lắm. Tháng 7 – 8 âm lịch là lúc năn cao đến lưng quần, cũng là lúc trâu làm xong mùa, người ta thả trâu vào đồng ăn cỏ năn không phải lo thức ăn cho chúng, đó cũng là lúc chim cò về xây tổ và trú ngụ rất nhiều. Tôi còn nhớ chim cò dạn dĩ như gà, đặc biệt là rất nhiều chim chích, vì chúng rất khoái ăn đọt năn. Nào chích cồ, chích ghé… Chỉ cần ra đồng nhặt một hồi là cả nón trứng chích, trứng cò. Dân chăn trâu thì toàn con nhà nghèo, bữa cơm thường là cơm vắt mắm đồng. Hay có bữa chỉ có keo nước mắm biển. Nhưng chẳng lo gì. Có mắm chưng thì tước đọt năn chấm mắm, còn nước mắm mặn thì luộc trứng chim giằm nước mắm ăn với đọt năn cũng no. Năn rất dễ ăn và vì ngày xưa vùng Bạc Liêu nơi nào cũng có năn mọc nên hầu hết dân nông thôn đều biết ăn năn, thế cho nên người ta sáng tạo ra nhiều cách ăn đọt. Năn ăn sống, năn xào, năn nấu canh, thậm chí đến năn làm dưa chua.

Chưa hết, đến tháng 11 – 12 âm lịch đồng khô năn chín sang vàng úa rồi lụi tàn, lũ trẻ trong làng vẫn có thể kiếm được cái ăn từ đám năn. Đó là lúc năn xuống củ, ta dùng vá đào lên dưới bụi năn héo là những chùm củ. Củ năn ăn tươi cũng được, luộc ăn cũng được cách nào thì củ năn ăn cũng rất ngon, có người làm bánh từ bột củ năn. Lúc năn xuống củ là lúc củ năn gọi lũ chuột đồng và chuột không biết ở đâu kéo về những đồng năn để ăn củ rất nhiều. Thế là dân những vùng nông thôn kéo ra bắt chuột trên những cánh đồng năn theo cách bắt “dậm cù”. Tức là họ dậm theo vòng tròn đặt lọp vào… nhưng cứ thế dậm dần cho đến khi chuột không còn chỗ trú đành chui vào rọ. Những lần bắt chuột như thế chuột nhiều đến quảy không nổi.

Cách đây vài thập niên, phong trào làm lúa cao sản tăng vụ với khoa học diệt cỏ đã đẩy những cánh đồng năn đến chỗ diệt vong. Chẳng những người có ký ức về đồng ruộng thích ăn mà cả dân thị thành cũng tìm mua ăn. Bởi năn vừa ngon vừa là một loại rau sạch.

SGTT

Hát cho quên nhọc nhằn

Gần 80 tuổi, người đàn bà nhỏ bé, khô như một que củi đã trải qua nửa thế kỷ quét rác để nuôi mình và hai đứa con bị bệnh tâm thần. Cuộc đời của bà mẹ nghèo là chuỗi dài những tháng ngày cơ khổ cùng tận. Nhưng tình mẫu tử của bà dành cho hai con thì như đại dương, khó gì sánh nổi…

thôn Phú Đông (xã Tam Phú, TP Tam Kỳ), từ mấy chục năm nay người ta đã quen với cảnh ba mẹ con bà Nguyễn Thị Thương chưa từng ăn được bữa cơm nào cho đúng giờ giấc. Nghề chính của bà là quét gom lá dương liễu khô đem bán cho lò nấu hến, có hôm đến tối mịt mới về…

Đứa khùng bẩm sinh, đứa vào đại học điên

Không thể tìm việc gì tốt hơn ngoài việc đi quét rác bán cho các lò nấu hến, bà Thương sợ nhất khi các rừng dương liễu không còn...

Chồng đau chết từ năm 1969, do trước đó bị tra tấn cho đến thổ huyết bởi không chịu khai báo đi dân công với ai trên núi. Một mình bà nuôi hai con nhỏ.

Chị Thu bị tâm thần bẩm sinh, lớn lên có tật sợ mất đồ. Bà Thương đi làm từ sáng đến tối, có hôm về thấy nhà cửa trống trơn, từ cái chén, cái tô, nồi niêu đến áo quần, thậm chí mấy đôi dép đứt cũng được cô con gái gánh đi gửi nhà hàng xóm vì sợ ai đó đến lấy trộm. Sợ mất trộm chị Thu còn lo đi giữ cả ruộng, nhưng hễ đi lên ruộng thì sợ mất đồ ở nhà nên lại quay về, lật bật cả ngày ngoài đường, quên cả giữ bò, để bò ăn trúng đám khoai mì say chết luôn tại ruộng. Chết đến con bò thứ ba thì bà Thương nghỉ luôn không chăn nuôi nữa.

Cả thôn Phú Đông ai cũng nhớ anh Hà là một thanh niên khoẻ mạnh, học rất giỏi, từng đi thi đại học ở TP. Hồ Chí Minh, mấy năm trước còn giải toán cho học trò đi thi, vậy mà anh bị bệnh tâm thần khi chớm bước vào đại học. Bao nhiêu công sức nuôi con, hy vọng con sẽ công thành danh toại để có chỗ nhờ cậy của bà Thương tan tành theo mây khói…

Khổ thì bà Thương không sợ nữa, chỉ sợ hai đứa con bà đói. Mấy mươi năm nay nhà bà không có lệ thổi cơm sáng, bà để cho cô con gái hai nghìn đồng đi chợ mua ít cá vụn để ăn cả ngày, hai bơ gạo để khi nào đói thì chúng nấu ăn. Bởi lắm khi bà quên cất gạo, hai chị em Thu, Hà đổ vào nồi nấu cùng lúc cả chục bơ, cả nhà ăn đến bốn ngày chưa hết. Kể chuyện này, bà Thương cười như mếu: “Điên khùng bất nhơn thiệt”. Còn phần bà thì buổi trưa ghé đại vào cái quán nào đó, ăn lưng lửng tô bún mì, có khi chỉ là cái bánh tráng cầm hơi rồi ra rừng quét rác tiếp. Bà nhịn đói tài đến nỗi có thể nhịn ăn cả ngày vẫn lững thững quảy gánh đi, chiều ì ạch tha về một đống rác lá khô to tướng, bà chỉ sợ người ta đốn mất rừng dương liễu, không có rác thì mẹ con bà đói thật. Những ngày cận tết, bà mẹ nghèo lội bộ lên Tam Kỳ, mua bánh tráng về bán lại kiếm lời, nhưng có hôm bị anh Hà nổi khùng đạp bể không còn một mảnh. Bà còn lê la hết ngày này qua ngày khác với ba sào đất ruộng mà người khác cho làm, cũng tưới bón khoai, lúa, đậu, mè. “Không bươn chải thì lấy chi mà ăn chú” – bà nói.

Khoảnh khắc tỉnh táo của anh Hà, trông anh chẳng có vẻ gì vừa đập phá từ căn nhà đổ nát của mình đi ra...

Chị Thu bị tâm thần bẩm sinh, lớn lên có tật sợ mất đồ. Hết về nhà giữ đồ rồi chạy lên ruộng, loay hoay con thoi như thế suốt ngày

Niềm vui trong nỗi khổ

Bà Thương tin rằng có trời thương mẹ con bà nên không cho chết đói, bà làm nông “tài tử” vậy chớ cũng có ăn, đi quét rác bán cho các lò luộc hến trong thôn mỗi ngày kiếm được gần chục nghìn là đủ nuôi ba miệng ăn. Anh Hà khi tỉnh táo thì đi làm thuê cho hàng xóm, bà khỏi lo cơm. Bà Thương nhớ mình rất ít đau ốm, lần đau lớn nhất cách đây đến gần chục năm, bà ăn hến bị tiêu chảy, thở không ra hơi nữa, vật vã bên đường cả ngày trời mới được một ông y tá đi ngang phát hiện, không thì bà đã chết chắc. Lần khác bà đi quét rác trúng cơn mưa dông, lậm cảm nặng nề, ông y tá đến nhà cho bốn viên thuốc, bị anh Hà tranh uống hết hai viên, chị Thu giành mất một viên, phần bà chỉ còn một, vậy mà sau đó bà cũng hết đau… Nhưng không dữ dằn bằng cái hồi cả ba mẹ con bà đau cùng lúc, chị Thu, anh Hà đều lên cơn, chực tông đầu vào gốc cây, hoặc lao vào nhau cắn xé. Bà Thương ôm chị Thu rúc trong đống rơm, kiến cắn sưng mình mẩy mà không dám la vì anh Hà đi lùng sục hai mẹ con bà đòi chém… Bà Thương lại cười như mếu: “Có hồi hai đứa hắn điên khùng bất nhơn rứa đó. Tui cũng muốn điên theo”.

Bà Thương hay kể chuyện anh Hà giỏi toán nhất thôn Phú Đông. Anh này còn khéo tay đến lạ lùng, căn nhà tạm của mẹ con bà là do anh đứng “thợ chính”, xây tô đâu ra đó, chỉ tội nó nhỏ như cái “lỗ mũi” mà chứa đến ba con người, lúc nào cũng có vẻ tan tành, hư nát của một “cuộc chiến” do hai con bà vừa gây ra. Năm bà làm đậu phụng trúng, người ta kêu phải bóc vỏ mới bán được nhiều tiền, anh Hà đi coi cái máy bóc vỏ đậu xong, về hạ ngay cái giường đang nằm làm được hai cái máy xát đậu, khi xát không bể một hột. “Nó điên khùng vậy chớ cũng tài chú ơi”. Anh này cũng lạ, mỗi khi lên cơn đập phá đồ đạc, bà la mắng thì càng đập dữ, chỉ khi nghe bà hát lên vài câu gì đó là lập tức dịu lại, nghe một chút, cười hơ hớ rồi bỏ đi. “Không nhờ cách đó nhà tui bữa ni không còn cái miểng chén ăn cơm…”, bà tự hào về hai người con như thể họ chưa từng điên khùng ngày nào: “Tụi hắn coi vậy chứ chưa làm mất lòng bất cứ người nào, chưa ngửa tay đi xin ai chén cơm, hạt gạo nghe chú…”.

Bà Thương nói mình thuộc cả kho bài hát trong đầu, đi làm mệt, đói thì hát lên mình nghe để quên đi. Đi gánh rác ở rừng xa, có khi hát hết cả chục bài cũng chưa lết về đến nhà; gánh lúa thì gần hơn, quảy gánh lên, hát chừng ba bài là về đến sân rồi. “Tui thấy đời mình khổ vậy là quá thể rồi, nên tui thường ngó lên, nhớ tưởng mấy gương anh hùng, liệt nữ, có tài có đức độ gần xa mà đặt bài hát làm vui nên không thấy khổ nữa chú à…”. Rồi bà Thương bảo: “Tui đi chùa đọc kinh báo hiếu, nghe câu “Mẹ già hơn trăm tuổi, vẫn thương con tám mươi…”, tui sắp tám mươi gần đất xa trời mà hai đứa hắn lớn không ra lớn, nhỏ không ra nhỏ, tui mà nhắm mắt thì tụi nó cũng đi đời…”.

SGTT

Hạnh xe ôm

Cứ tiếc ngẩn ngơ, vì bất cẩn mà “đi đứt” cái túi đặc sản mà bạn bè tặng, đã ra công mang từ tận Cà Mau về. Tiếc nhất là công cán của cô cháu gái đã “lèo lái” để tôi mang được mấy món “cấm bay” này lên máy bay. Nhưng sáng hôm sau, vừa vô bãi gởi xe cạnh cơ quan, đã nghe ai đó gọi ở sau lưng: “Anh gì ơi…”. Ngoái lại thì thấy anh xe ôm “hộ pháp” hôm qua đã chở mình, đang cười với cái bọc đặc sản trên tay

Hạnh xe ôm, từ nhà giáo chuyển sang nuôi cá trê phi, gà công nghiệp, mở xí nghiệp thức ăn gia súc, và lận đận tới bây giờ, túng quẫn với nghề xe ôm

Sau mấy lời cám ơn rối rít, theo thói quen, tôi móc bóp thì thấy nụ cười tươi trên mặt anh xe ôm vụt tắt, vừa xua tay anh vừa cho xe vọt đi. Tôi quành xe đi theo một đoạn mới rủ rê được anh ta vào một quán cà phê. Anh tên Hạnh, năm nay 57 tuổi.

Gốc gác bá hộ

Tôi mở ra coi rồi, toàn “món độc”, biết ông cũng là dân miền Tây”. Mặc cho tôi liếng thoắng, phải cạn hơn nửa ly cà phê đá, anh Hạnh mới mở lời. Anh cho biết nhà ở tận Gò Vấp, nhưng sáng nào cũng ra đây, vì có khách hàng quen là một cô giáo tiểu học bị liệt chân từ nhỏ, đang dạy ở trường tiểu học quốc tế gần cơ quan tôi. Chuyện vãn thêm một lúc thì biết cô giáo kia vốn là đồng nghiệp cũ của anh. Cách nay gần hai chục năm, anh Hạnh và cả vợ anh đều là giáo viên.

Tôi quê ở Càng Long, Trà Vinh. Ông nội tôi gốc địa chủ kha khá, có đi học bên Pháp mấy năm. Về nước, ông không theo nghề công lộ đã học, cũng không ra làm công chức cho Pháp mà nhận lãnh việc quản lý và phát triển tiếp điền sản cho dòng họ. Nhưng đến đời ông già tôi là một “bước ngoặt”. Nhà giàu, lại là cháu đích tôn, được ông cố tôi “bảo kê”, ba tôi ham chơi từ nhỏ. Khi lớn cũng được đưa lên Sài Gòn học, nhưng ông chơi nhiều hơn học. Khi ông tôi mất, điền sản chẳng còn gì. Nhưng ông còn để lại được cho tôi một lời trăn trối: Phải cố học bằng mọi cách để lấy chữ làm tài sản”.

Con chữ chập chờn trước mặt

Lớn lên như bao người trong vùng, gia đình anh Hạnh sống bằng nghề nông. Nhưng riêng anh thì với quyết tâm bằng mọi cách theo con đường học hành. Vì cũng là con một, nên suốt thời chiến ấy, anh không phải lo chuyện trốn lính. Cho đến sau 30.4.1975, anh đã là giáo viên tiểu học của một trường ở quận Gò Vấp. Vì không dính gì tới chuyện lính tráng, nên sau khi đất nước thống nhất, anh Hạnh vẫn tiếp tục đi dạy bình thường. Đời sống nói chung, đặc biệt là đời sống giáo viên những năm sau chiến tranh cực kỳ khó khăn.

Anh Hạnh lấy vợ cũng vào những năm khó khăn ấy. Vợ anh là người cùng quê Trà Vinh, cùng học chung ở trường Sư phạm tiểu học và ra trường lại về Gò Vấp dạy cùng trường với anh. Chị cũng dân gốc nông dân, nhà nghèo nhưng cũng có quyết tâm đổi đời bằng việc học như anh. Cho nên, những năm đời sống quá khó khăn sau giải phóng, anh chị vẫn không có ý định trở về quê, hy vọng bám lại thành phố cho sau này con cái có điều kiện học tập tốt hơn.

Đến cuối những năm 1980, đời sống kinh tế đất nước bắt đầu bung ra với những “kế hoạch B, kinh tế ba thành phần”… đã lôi kéo nhiều giới tham gia để cải thiện đời sống, trong đó có không ít giáo viên. Nhưng thời đó chưa phổ biến chuyện dạy thêm, học thêm, nên đa phần giáo viên đi làm ăn là làm những việc trái nghề. Con bị suy dinh dưỡng, nhà túng thiếu triền miên, vợ chồng anh Hạnh cũng quyết định từ bỏ nghề giáo để “bung ra” với hy vọng chuyển cái ước mơ chữ nghĩa cho các con.

Hạnh xe ôm

Cùng thời “bung ra” với anh Hạnh, có người bây giờ là những đại gia tên tuổi, con cái du học tận bên Mỹ, Âu châu. Nhưng không ít người vẫn tiếp tục lận đận, lỡ làng vì chuyện kinh doanh không phải ai cũng làm được, làm tốt. Anh Hạnh nằm trong nhóm số đông thứ hai này. Từ nuôi cá trê phi, đến gà công nghiệp, đến xí nghiệp thức ăn gia súc… vợ chồng anh Hạnh cứ men theo con đường kinh doanh cận nghề nông quen thuộc và mỗi lần đổi việc là một lần thấy mình chậm chân hơn người khác và chuyện nợ nần thiếu hụt lại tiếp tục bủa vây.

Khi đó ngoảnh lại với nghề giáo đầy tiếc nuối, thì thấy mình đã già, đã lạc hậu. Buồn nhất là mục tiêu học tập cho các con cũng không đạt được, cả ba không có đứa nào vào được đại học.

Cách nay gần tám năm, sau khi cưới vợ cho đứa con lớn và lo cho hai đứa nhỏ đi làm công nhân, anh Hạnh và vợ quyết định về quê Càng Long mua mảnh đất nhỏ. Nhưng rồi đột ngột cậu con cả bị tai nạn lao động qua đời. Chưa đầy sáu tháng sau khi chồng mất, để “đi bước nữa”, cô con dâu đem hai con, đứa lớn bốn tuổi đứa nhỏ chưa đầy hai tuổi, gửi cho ông bà nội. Thế là chấm dứt giấc mơ về quê. Anh Hạnh ra nghề chạy xe ôm, vợ anh đi bán vé số. Cuộc theo đuổi chữ nghĩa của đời anh Hạnh bây giờ ký gởi vào hai đứa cháu nội bé bỏng.

Chợt nhìn đồng hồ, anh Hạnh vội đứng lên vì gần đến giờ đưa cháu đi học. Tôi hỏi đường đến nhà, anh bảo lòng vòng trong hẻm khó tìm lắm, rồi anh cho tôi số điện thoại. Tôi hỏi họ tên đầy đủ của anh, anh bảo: “Cứ gọi tôi là Hạnh xe ôm”.

Người đàn bà bán chuối nướng

Tôi quen dì nhân một “tai nạn”, khi dẫn con vào nhà sách Sài Gòn. Và tôi khám phá ra bên dưới mâm bánh chuối nướng của dì câu chuyện hai đứa con mắc bệnh sống nhờ vào những đồng tiền dì góp nhặt mỗi ngày

Dì Cúc bán bánh chuối nướng trước nhà sách Sài Gòn

Tôi hỏi dì thứ mấy, dì nói: “Cứ gọi tôi là dì Cúc, tôi không có anh chị em gì cả nên cũng không biết mình thứ mấy”. Bà lão vừa đẹp người, vừa ngọt ngào, nhân hậu. Một tay bà cầm miếng bánh chuối trở qua trở lại trên bếp than, mắt trông chừng về phía xa xăm trên con đường một chiều. Rồi bất giác bà gom tất cả vào cái giỏ, vừa bưng vừa chạy. Như một hòn đất vừa ném xuống ao bèo, chiếc xe tải nhỏ ấy vừa khuất bóng thì những người buôn bán trên vỉa hè trở về vị trí. Dì Cúc từ trong nhà gởi xe thở phào bước ra, đặt cái giỏ xuống vị trí của mình trước nhà sách Sài Gòn. Lại thở phào, dì nói với tôi: “Hôm trước tôi bị tịch thu cái ghế mủ, xách không kịp, mới mua lại hết mười ngàn đồng”.

Tôi quen dì Cúc qua một sự hiểu lầm. Hôm ấy, đưa con gái vô nhà sách Sài Gòn, trời mưa lất phất, thấy bà lão bán bánh chuối cho mấy người khách ngoại quốc, sẵn máy ảnh tôi bấm vài kiểu, dì đứng dậy bỏ đi, nét mặt buồn buồn. Khi tôi cất máy vào túi, dì mới quay lại chỗ ngồi và nói như cầu khẩn: “Chú đừng chụp hình tôi, tôi sợ lên báo lắm”. Tôi hỏi tại sao, dì nói mình bán hàng rong, phải trốn chui trốn nhủi, lên báo rồi làm sao trốn được. Tôi mua bánh của dì thay cho lời xin lỗi. “Khổ lắm cháu ơi, từng tuổi này phải nuôi hai thằng con trai trên ba mươi tuổi. Một thằng khùng, một thằng bệnh xơ gan”. Bán mỗi cái bánh chuối lời một ngàn đồng, mỗi ngày kiếm được bảy tám chục ngàn, nhưng phải tốn ba chục ngàn cho hai cuốc xe ôm. Tôi nói để tối nay con chở dì về, đỡ tốn mười lăm ngàn. Dì nói: “Thôi, vừa làm phiền cháu, lại làm phiền chú chạy xe ôm. Hàng đêm, mưa gió cỡ nào chú ấy cũng chờ tôi đến chín giờ rưỡi, lúc ấy có ai kêu một cuốc ba bốn chục ngàn chú cũng không đi”.

Hôm sau, tôi mua một ít thuốc nam mang đến trao cho dì, tôi nói tôi muốn qua nhà xem bệnh gan của thằng Lộc ra sao để giúp nó chữa trị. Dì nhờ một người bán hàng rong bên cạnh: “Nhắn với chú xe ôm giùm tôi đêm nay khỏi rước, tôi phải dẫn một đứa cháu về nhà để xem bệnh cho thằng Lộc”. Rồi dì quay sang tôi: “Phải nói như vậy để chú xe ôm đừng buồn”.

Ngôi nhà dì Cúc nằm trong con hẻm nhỏ trên đường Phan Xích Long. Gọi là nhà, nhưng thật ra nó nhỏ hơn một căn phòng ngủ bình thường. Ngang hai mét, dài bốn mét. Phía trên có cái gác gỗ. Dì nói thằng Lộc ngủ trên đó, còn dì với thằng Phát ngủ ở dưới. Thằng Phát ngồi trầm ngâm, tựa lưng vào vách tường, thỉnh thoảng cười một mình, thỉnh thoảng lại lườm lườm nhìn mọi người như nổi giận. Lộc thì bắc ghế ngồi ngoài hiên, mặc quần cụt, ở trần, da ngâm đen, người ốm còm, yếu ớt. Tôi hỏi bệnh tình thế nào, Lộc buồn rầu đáp: “Bác sĩ nói em bị xơ gan”.

Xơ gan! Nếu nhẹ thì cũng phải tốn bạc trăm triệu, còn nặng thì vô phương cứu chữa. Tôi hỏi Lộc gần đây có đi xét nghiệm không, Lộc lắc đầu, bảo có xét nghiệm cũng chỉ buồn thêm thôi, giải quyết được gì. Xơ gan thì không được làm nặng, vậy mà có lúc Lộc đi làm thợ hồ, làm được một hai ngày rồi đuối sức. Hàng ngày, Lộc ngồi trước cửa, đón mấy người mua ve chai để nó mua lại các món đồ điện, rã ra, chùi bóng từng món phụ tùng rồi mang đi bán, có hôm cũng kiếm được vài chục ngàn đồng, có hôm không kiếm được đồng nào. Dì Cúc nhìn Lộc đang ngồi trầm tư, rồi như dì nói với chính mình: “Thôi thì nó sống vui được ngày nào hay ngày nấy, số trời đã định vậy rồi”.

Tôi hỏi có khi nào dì tìm thấy một niềm vui, dì nói cũng có, ví dụ như mấy cô nhân viên nhà sách Sài Gòn, tháng nào lãnh lương cũng dúi vào tay dì chút ít tiền, người năm chục, người một trăm

Hỏi đời dì khổ nhất là lúc nào, dì nói khổ từ nhỏ đến giờ thì biết sao mà nói được, nhưng riết rồi quen, rồi không còn thấy khổ. Nhưng buồn nhất là những lúc bị cảm cúm, nhức đầu hay trời mưa kéo dài không đi bán được, ba mẹ con nằm chèo queo trong nhà mà hết gạo hết tiền. Hỏi quê quán, dì chỉ biết mình gốc gác Quảng Nam, cùng với mẹ trôi dạt vào Sài Gòn theo khói lửa chiến tranh, dựng một căn chòi bên bờ kênh Nhiêu Lộc. Dòng kênh đen quánh ấy đã nhuốm bao thế hệ đời người. Chồng bị bắt lính rồi biệt tích, để lại cho dì bốn người con trai, cũng lớn lên bên dòng kênh đen ngòm số phận. Sau khi giải toả kênh Nhiêu Lộc, dì được đền bù một số tiền đủ mua căn nhà mười sáu mét vuông. Rồi nghèo túng, nợ nần, căn nhà cũng teo tóp dần còn một nửa. Hai người con trai lớn cưới vợ, ra riêng nhưng vẫn nối tiếp số phận bấp bênh của đời người đi trước.

Tôi nghĩ miên man về một chiếc cần câu cho dì Cúc, nhưng đành chịu, chỉ còn biết hy vọng vào một phép màu nào đó. Tôi bèn hỏi, nếu ông trời cho dì một điều ước, chỉ một điều duy nhất thôi, thì dì sẽ ước gì? Dì Cúc trả lời ngay mà không cần suy nghĩ: “Ước bán đắt hơn để đủ tiền nuôi hai đứa nó”. Tôi lại hỏi, nếu có thêm điều ước thứ hai? Dì cũng trả lời ngay: “Ước mạnh giỏi, đừng chết trước hai đứa nó”.

Trời ạ! Gần bảy mươi tuổi rồi, lại phải lo cái nỗi lo lá úa lìa cành trước lá xanh!

Tôi hỏi có khi nào dì tìm thấy một niềm vui, dì nói cũng có, ví dụ như mấy cô nhân viên nhà sách Sài Gòn, tháng nào lãnh lương cũng giúi vào tay dì chút ít tiền, người năm chục, người một trăm. Mới đây, đứa cháu nội thi rớt đại học, được cô giám đốc nhà sách giới thiệu vô làm việc trên công ty. Mình bán ở đây, mấy cổ không đuổi mà còn giúp đỡ, ơn này không biết bao giờ mới đền đáp được.

Con gái tôi, sau khi nghe tôi kể câu chuyện này, nó nói: “Cha nói với bà, hàng đêm con đi học Anh văn, con sẽ đưa bà về để đỡ tốn mười lăm ngàn”. Nhưng dì lại từ chối: “Thôi cháu ạ, cho dì gởi lời cảm ơn con bé, nhưng làm như vậy tội nghiệp chú xe ôm. Chú ấy tốt lắm, đêm nào mưa to gió lớn cũng không bỏ dì, hôm rồi xăng lên giá, dì bảo lấy thêm hai ngàn, chú ấy cũng từ chối”.

Thôi thì đành vậy. Kể câu chuyện này, tôi cũng không mong mỏi gì hơn, nếu đêm nào các bạn chợt đi qua đường Lê Lợi, hãy ghé trước nhà sách Sài Gòn, mua giúp dì Cúc vài chiếc bánh chuối nướng. Bởi dì đã nói, nếu ông trời cho dì một điều ước, dì chỉ “ước sao bán đắt hơn để đủ tiền nuôi hai đứa nó” mà thôi.

SGTT