Chủ Nhật, 1 tháng 3, 2009

Hát cho quên nhọc nhằn

Gần 80 tuổi, người đàn bà nhỏ bé, khô như một que củi đã trải qua nửa thế kỷ quét rác để nuôi mình và hai đứa con bị bệnh tâm thần. Cuộc đời của bà mẹ nghèo là chuỗi dài những tháng ngày cơ khổ cùng tận. Nhưng tình mẫu tử của bà dành cho hai con thì như đại dương, khó gì sánh nổi…

thôn Phú Đông (xã Tam Phú, TP Tam Kỳ), từ mấy chục năm nay người ta đã quen với cảnh ba mẹ con bà Nguyễn Thị Thương chưa từng ăn được bữa cơm nào cho đúng giờ giấc. Nghề chính của bà là quét gom lá dương liễu khô đem bán cho lò nấu hến, có hôm đến tối mịt mới về…

Đứa khùng bẩm sinh, đứa vào đại học điên

Không thể tìm việc gì tốt hơn ngoài việc đi quét rác bán cho các lò nấu hến, bà Thương sợ nhất khi các rừng dương liễu không còn...

Chồng đau chết từ năm 1969, do trước đó bị tra tấn cho đến thổ huyết bởi không chịu khai báo đi dân công với ai trên núi. Một mình bà nuôi hai con nhỏ.

Chị Thu bị tâm thần bẩm sinh, lớn lên có tật sợ mất đồ. Bà Thương đi làm từ sáng đến tối, có hôm về thấy nhà cửa trống trơn, từ cái chén, cái tô, nồi niêu đến áo quần, thậm chí mấy đôi dép đứt cũng được cô con gái gánh đi gửi nhà hàng xóm vì sợ ai đó đến lấy trộm. Sợ mất trộm chị Thu còn lo đi giữ cả ruộng, nhưng hễ đi lên ruộng thì sợ mất đồ ở nhà nên lại quay về, lật bật cả ngày ngoài đường, quên cả giữ bò, để bò ăn trúng đám khoai mì say chết luôn tại ruộng. Chết đến con bò thứ ba thì bà Thương nghỉ luôn không chăn nuôi nữa.

Cả thôn Phú Đông ai cũng nhớ anh Hà là một thanh niên khoẻ mạnh, học rất giỏi, từng đi thi đại học ở TP. Hồ Chí Minh, mấy năm trước còn giải toán cho học trò đi thi, vậy mà anh bị bệnh tâm thần khi chớm bước vào đại học. Bao nhiêu công sức nuôi con, hy vọng con sẽ công thành danh toại để có chỗ nhờ cậy của bà Thương tan tành theo mây khói…

Khổ thì bà Thương không sợ nữa, chỉ sợ hai đứa con bà đói. Mấy mươi năm nay nhà bà không có lệ thổi cơm sáng, bà để cho cô con gái hai nghìn đồng đi chợ mua ít cá vụn để ăn cả ngày, hai bơ gạo để khi nào đói thì chúng nấu ăn. Bởi lắm khi bà quên cất gạo, hai chị em Thu, Hà đổ vào nồi nấu cùng lúc cả chục bơ, cả nhà ăn đến bốn ngày chưa hết. Kể chuyện này, bà Thương cười như mếu: “Điên khùng bất nhơn thiệt”. Còn phần bà thì buổi trưa ghé đại vào cái quán nào đó, ăn lưng lửng tô bún mì, có khi chỉ là cái bánh tráng cầm hơi rồi ra rừng quét rác tiếp. Bà nhịn đói tài đến nỗi có thể nhịn ăn cả ngày vẫn lững thững quảy gánh đi, chiều ì ạch tha về một đống rác lá khô to tướng, bà chỉ sợ người ta đốn mất rừng dương liễu, không có rác thì mẹ con bà đói thật. Những ngày cận tết, bà mẹ nghèo lội bộ lên Tam Kỳ, mua bánh tráng về bán lại kiếm lời, nhưng có hôm bị anh Hà nổi khùng đạp bể không còn một mảnh. Bà còn lê la hết ngày này qua ngày khác với ba sào đất ruộng mà người khác cho làm, cũng tưới bón khoai, lúa, đậu, mè. “Không bươn chải thì lấy chi mà ăn chú” – bà nói.

Khoảnh khắc tỉnh táo của anh Hà, trông anh chẳng có vẻ gì vừa đập phá từ căn nhà đổ nát của mình đi ra...

Chị Thu bị tâm thần bẩm sinh, lớn lên có tật sợ mất đồ. Hết về nhà giữ đồ rồi chạy lên ruộng, loay hoay con thoi như thế suốt ngày

Niềm vui trong nỗi khổ

Bà Thương tin rằng có trời thương mẹ con bà nên không cho chết đói, bà làm nông “tài tử” vậy chớ cũng có ăn, đi quét rác bán cho các lò luộc hến trong thôn mỗi ngày kiếm được gần chục nghìn là đủ nuôi ba miệng ăn. Anh Hà khi tỉnh táo thì đi làm thuê cho hàng xóm, bà khỏi lo cơm. Bà Thương nhớ mình rất ít đau ốm, lần đau lớn nhất cách đây đến gần chục năm, bà ăn hến bị tiêu chảy, thở không ra hơi nữa, vật vã bên đường cả ngày trời mới được một ông y tá đi ngang phát hiện, không thì bà đã chết chắc. Lần khác bà đi quét rác trúng cơn mưa dông, lậm cảm nặng nề, ông y tá đến nhà cho bốn viên thuốc, bị anh Hà tranh uống hết hai viên, chị Thu giành mất một viên, phần bà chỉ còn một, vậy mà sau đó bà cũng hết đau… Nhưng không dữ dằn bằng cái hồi cả ba mẹ con bà đau cùng lúc, chị Thu, anh Hà đều lên cơn, chực tông đầu vào gốc cây, hoặc lao vào nhau cắn xé. Bà Thương ôm chị Thu rúc trong đống rơm, kiến cắn sưng mình mẩy mà không dám la vì anh Hà đi lùng sục hai mẹ con bà đòi chém… Bà Thương lại cười như mếu: “Có hồi hai đứa hắn điên khùng bất nhơn rứa đó. Tui cũng muốn điên theo”.

Bà Thương hay kể chuyện anh Hà giỏi toán nhất thôn Phú Đông. Anh này còn khéo tay đến lạ lùng, căn nhà tạm của mẹ con bà là do anh đứng “thợ chính”, xây tô đâu ra đó, chỉ tội nó nhỏ như cái “lỗ mũi” mà chứa đến ba con người, lúc nào cũng có vẻ tan tành, hư nát của một “cuộc chiến” do hai con bà vừa gây ra. Năm bà làm đậu phụng trúng, người ta kêu phải bóc vỏ mới bán được nhiều tiền, anh Hà đi coi cái máy bóc vỏ đậu xong, về hạ ngay cái giường đang nằm làm được hai cái máy xát đậu, khi xát không bể một hột. “Nó điên khùng vậy chớ cũng tài chú ơi”. Anh này cũng lạ, mỗi khi lên cơn đập phá đồ đạc, bà la mắng thì càng đập dữ, chỉ khi nghe bà hát lên vài câu gì đó là lập tức dịu lại, nghe một chút, cười hơ hớ rồi bỏ đi. “Không nhờ cách đó nhà tui bữa ni không còn cái miểng chén ăn cơm…”, bà tự hào về hai người con như thể họ chưa từng điên khùng ngày nào: “Tụi hắn coi vậy chứ chưa làm mất lòng bất cứ người nào, chưa ngửa tay đi xin ai chén cơm, hạt gạo nghe chú…”.

Bà Thương nói mình thuộc cả kho bài hát trong đầu, đi làm mệt, đói thì hát lên mình nghe để quên đi. Đi gánh rác ở rừng xa, có khi hát hết cả chục bài cũng chưa lết về đến nhà; gánh lúa thì gần hơn, quảy gánh lên, hát chừng ba bài là về đến sân rồi. “Tui thấy đời mình khổ vậy là quá thể rồi, nên tui thường ngó lên, nhớ tưởng mấy gương anh hùng, liệt nữ, có tài có đức độ gần xa mà đặt bài hát làm vui nên không thấy khổ nữa chú à…”. Rồi bà Thương bảo: “Tui đi chùa đọc kinh báo hiếu, nghe câu “Mẹ già hơn trăm tuổi, vẫn thương con tám mươi…”, tui sắp tám mươi gần đất xa trời mà hai đứa hắn lớn không ra lớn, nhỏ không ra nhỏ, tui mà nhắm mắt thì tụi nó cũng đi đời…”.

SGTT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét