Chủ Nhật, 1 tháng 3, 2009

Chữ tâm của người bẩn

Không thấy mặt đâu, chỉ có đôi giày nhựa cũ đầy dầu mỡ, chiếc quần đầy dầu mỡ thấp thoáng dưới gầm chiếc xe tải to đùng và cái giọng têu tếu theo kiểu tuồng chèo: “Ai tìm Tự này ấy nhỉ? Tin lành hay tin dữ nào?”. Cạnh chiếc xe tải hạng nặng là chiếc xe đạp bé xíu, màu đỏ của nó được phủ lên một chất sền sệt có màu tổng hợp của nhớt xe, bụi đường và mỡ cùng bộ đồ nghề đơn giản. Đấy là hình ảnh quen thuộc của ông Tự làm nghề bơm mỡ xe đất cảng.

Mười năm “ở bẩn”

Kiếm kẻ “ở bẩn” tiếng tăm như ông Tự – bơm – mỡ – xe kể cũng chẳng khó khăn gì giữa đất Hải Phòng tuy có rộng. Chỉ cần ra bãi xe Cảng 1 Hải Phòng hay hỏi dò vài người lái xe đang ngồi sau tay lái là biết ngay. Thậm chí, từ bà bán nước chè, anh xe ôm hay bác bảo vệ ở đấy, ai cũng đều rõ mười mươi ông Tự già chuyên bơm mỡ xe tải. Ngoài ra, các câu chuyện “khuyến mãi” làm quà kèm theo và cả số điện thoại di động, số điện thoại nhà và địa chỉ nhà ông Tự cũng được truyền khẩu rộng rãi.

Tự – bơm – mỡ từ lâu đã là một “thương hiệu” có tiếng của ông già kiếm sống từ những chiếc xe khô mỡ sau những chuyến hành trình dài.

Ngày xưa ông Tự nguyên là quản đốc ở nhà máy thuỷ tinh Hải Phòng, có lúc được thay mặt cả giám đốc để giải quyết công việc. Nhưng rồi ông xin nghỉ hưu trước tuổi, vì “cơ chế kinh tế thay đổi. Những người chỉ làm việc bằng kinh nghiệm như bá (bác) không còn phù hợp nữa. Rút về cho lũ trẻ lên thay là hợp lý nhất”.

Ra ngoài làm cái nghề nói theo cách Tự – bơm – mỡ là “bẩn nhất đất Hải Phòng” lại khiến ông thoải mái hơn trước nhiều. Dân lái xe đường dài ngồi uống bia, uống chè, rít thuốc lào soòng sọc nhác thấy bóng ông Tự từ xa lập tức đặt cốc chén, gác điếu cày chạy ra đường réo ngay vào. Ông già làm việc rất cẩn thận lại vui tính, dễ dãi nên mọi người rất khoái.

Nghề bơm mỡ muốn kéo dài hay thu ngắn thì tuỳ vào tay nghề người thợ và lương tâm của họ nữa. Làm việc kiểu cẩn thận thì rất tốn thời gian bởi từng răng, khớp, cốt, trục của xe đều có những quy luật riêng về vận động. Muốn bơm mỡ đúng chỗ, bơm đủ lượng thì phải rõ xe như lòng bàn tay. Mà dân lái xe thì kiểm tra tay nghề thợ bơm mỡ nhanh lắm, chỉ cần vận hành một tuần thấy không “êm” chân ga, chân thắng hay trục xoay là biết ngay. Kiểu làm ăn chụp giật như dân cơ khí đánh giá là “cho bò ăn cám” (chỉ bơm được khoảng 7/10) thì chỉ cần 30 – 45 phút là xong. Các mối trục, khớp, lỗ bơm bên ngoài đầy mỡ nhưng hộp mỡ bên trong có khi vẫn khô khốc. “Làm kiểu ấy thì mất uy tín và “ăn cám” thật chứ chẳng chơi. Làm nghề nào cũng cần một chữ tâm con ạ!”, ông Tự kết luận sau một thoáng trầm ngâm.

Chỉ gặp ông Tự một lần sẽ cảm nhận được cuộc đời này có một “chất bôi trơn” bình dân, như cái nghề bơm mỡ của ông, thú vị đến dường nào

Muốn “giải quyết” một xe tải trên 10 tấn phải mất từ một tiếng rưỡi đến hai tiếng, không thể nhanh hơn được. Trông công việc có vẻ đơn giản thế nhưng bụi đất bám vào rất dễ nghẹt mỡ ở mỗi lỗ trục.

Tính từ lúc bắt đầu nghề bơm mỡ xe, ông Tự đã có mười năm kinh nghiệm với dầu mỡ và… gầm xe. Nhưng đó chỉ là một phần chân dung của ông già tự nhận “bẩn nhất đất Hải Phòng” này…

Làm ra làm, chơi ra chơi

Alô, ai đấy ạ! Vâng, tôi Tự đây…”. Đấy là “điệp khúc” quen thuộc ông Tự trả lời điện thoại khách hàng vang lên mỗi ngày dưới gầm xe ô tô.

Bãi xe nào cũng đông nghịt và lượng xe ra vào thường xuyên cùng những tiếng còi chói tai, tiếng động cơ gầm rú khiến câu chuyện điện thoại của ông già với những đoạn “tenor” (giọng cao) vang vang “Gì cơ ạ?”, “À vâng, vâng…”, “Thông cảm nhé, đang làm ở bãi…” v.v... hay bị ngắt quãng.

Những bãi xe ở Hải Phòng như Bãi 1, Anh Đức, Trang Anh… hay nhiều xe từ Đà Nẵng, Sài Gòn… ra cảng đều là mối quen của ông nên chuyện “chạy show” lúc cao điểm là khó tránh khỏi.

Những chiếc xe đường dài không thể thực hiện một quy trình bảo dưỡng đúng nghĩa vì chỉ có thể dừng một buổi để chất hàng và tiếp tục lên đường. Các chủ xe sẽ gọi ngay ông Tự và hình ảnh trên xe đang chất hàng, dưới gầm xe có một ông già chui ra chui vào đã trở nên quen thuộc với người đất cảng. Mỗi ngày ông Tự bơm mỡ cho 2 chiếc xe, lúc cao điểm thì 5 – 6 chiếc là thường. Thậm chí, có dịp gần tết xe đông, ông phải làm cho đến chiều tối 30 mới về đến nhà. Không phải là già Tự cố kiếm thêm đồng ra đồng vào mà bởi cái ân tình của những mối quen khó bỏ. “Người ta có sự mới phải nhờ mình lúc ấy. Bá không làm cũng thấy áy náy lắm”, ông nói.

Bận kinh khủng nhưng già Tự cũng chịu chơi lắm. Ông làm xong chiếc xe là lau tay, thay chiếc áo đen bóng một lớp mỡ, bụi nhớt dày cộm bằng một chiếc áo ít lấm hơn để ra tiếp khách đàng hoàng. “Xe còn lại à? Lát nữa làm tiếp, mình thư giãn tí để làm kỹ hơn và còn tiếp khách đường xa chứ!”. Ông Tự cười, vui vẻ trả lời khi được hỏi như thế có ảnh hưởng đến công việc của ông hay không.

Ngồi với ông có thể nghe thơ Tố Hữu, chuyện làng báo từ thời nhà báo Hữu Thọ đến những vấn đề “nóng hổi” thời gian qua như chuyện bài thơ Mùa xuân nhớ Bác của Phạm Thị Xuân Khải trên báo Tiền Phong một dạo, chuyện đội mũ bảo hiểm ra đường năm nay,…

Thú vị nhất là chuyện ông kể về gia đình mình với vợ và ba cô con gái đã đi lấy chồng. Còn mỗi cặp vợ chồng già thủ thỉ nên vợ chồng ông chiều chuộng nhau hết mực. “Tối thứ bảy, chủ nhật nào cũng đạp xe chở bà nó đi dạo phố, đi cafe nhé!”, ông cười sung sướng khi nhắc đến chuyện này.

Chỉ gặp ông Tự một lần sẽ cảm nhận được cuộc đời này có một “chất bôi trơn” bình dân, như cái nghề bơm mỡ của ông, thú vị đến dường nào. Bàn tay to bè, chai sạn ngả một màu vàng nâu rất giống mỡ bò của kẻ làm nghề “bẩn nhất đất Hải Phòng” dễ khiến người ta có cảm nghĩ: “Nghề nào cũng có trạng nguyên” và nghề “ở bẩn, chui gầm” đầy uy tín của ông Tự thật ra rất sạch.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét