71 tuổi, mỗi ngày bà phải gánh số tuổi đời đã luống cùng với gánh hàng đi cơ động khắp nơi ở Sài Gòn để kiếm tiền nuôi đứa con gái bị tâm thần nằm ở Biên Hoà. Khổ, nghèo, nhưng bà lại luôn nhìn xuống và lạc quan thấy mình còn hơn nhiều người…
Bà già gánh “Nam tiến” từ hơn tám năm nay. Mỗi ngày với gánh hàng rong nặng nhọc và thu nhập ít ỏi, nhưng bà vẫn luôn vui tính nhìn đời. Ảnh: Hồng Thái |
Đêm Sài Gòn. Mưa lất phất. Trên đường, một bà già với đôi quang gánh chậm chạp từng bước nhọc nhằn… Ai cũng quen gọi bà là bà già gánh, ít ai biết tên thật của bà là Nguyễn Thị Anh, năm nay 71 tuổi, quê ở tận Đức Phổ, Quảng Ngãi. Bà già tóc bạc trắng, luôn bận bộ đồ nâu sờn cũ, trên vai là đôi quang gánh nặng khoảng 20 ký. Bà gánh đủ thứ như bánh, cóc, ổi… kiếm từng đồng nuôi đứa con gái 30 năm bị tâm thần.
Dặm trường vì con
Trời mưa, bán ế, bà loay hoay tìm chỗ ngồi trước mái hiên nhà trong con hẻm nhỏ. Ngồi lọt thỏm giữa đôi quang gánh, chép miệng nhìn trời, bà bồi hồi nhớ lại chuyện xưa, ngỡ như mới hôm qua. Năm 1978, bà bàng hoàng nhận tin chồng bị ung thư bao tử. Năm sau, đứa con gái thứ ba đang độ đôi tám, tự dưng phát điên. Chồng bệnh, con điên, những đứa còn lại thì nhỏ dại. Bị căn bệnh ung thư hành hạ, ông quát mắng, gay gắt. Đứa con gái thì quậy phá suốt ngày, phải nhốt nó lại rồi cho mấy đứa em canh giữ. Bà làm đủ mọi việc để có tiền nuôi chồng, nuôi con. Bà nói: “Phải chi người bị ung thư là tui, có lẽ sẽ đỡ khổ hơn!”.
Bà chịu đựng như vậy được sáu năm thì ông mất. Bấy giờ, bà mới tập trung tìm thầy chữa bệnh cho con. Bà kể: “Tui bán cả ruộng vườn để lo thuốc thang cho nó. Nghe ở đâu có thầy hay, là tui đều tới. Nhưng nó đỡ được một chút, rồi cũng vậy”.
Bốn người con bình thường của bà lần lượt lập gia đình, con gái út chưa lấy chồng thì lo cơm nước cho mẹ. Mùa màng thất bát, con cái có vợ có chồng, rồi cũng nghèo. Bà quyết định “Nam tiến” để có tiền nuôi đứa con bất hạnh.
Vào một ngày giữa năm 2000, gia đình ông giáo trên đường Tân Hoá, quận 11 thấy một bà già hơn 60 tuổi, dẫn theo một đứa con gái trông vẻ ngớ ngẩn, hỏi thuê phòng trọ. Được những người đi trước chỉ dẫn, bà bắt đầu cuộc sống quảy gánh trên vai, kiếm sống qua ngày. Bà đi bán cả ngày, để con trong phòng khoá lại. Được vài năm, bệnh tình cô con gái ngày càng nặng. Cô chửi bới, đập phá lung tung. Chịu không xiết, mọi người mách bà nên gởi con vào bệnh viện tâm thần ở Biên Hoà.
Mỗi ngày, từ 3 giờ sáng, bà gánh hàng ra Chợ Lớn mua thêm đồ bán, sau đó, gánh hàng ra tới bệnh viện Chợ Rẫy, rồi đi lòng vòng khắp các con hẻm bán hàng rong. Bà kể: “Trước cổng trường học bán được hơn, nhưng bị đuổi, chạy không kịp. Gánh đi như vầy bán lai rai cũng được!”.
Buổi sáng, bà lót dạ tô cháo hai ngàn đồng, hoặc chỉ một gói mì với nước sôi là xong buổi tối. Còn buổi trưa, bà được chủ quán cơm trên đường Phạm Đình Hổ, quận 6 “tài trợ” một suất cơm tình nghĩa. Làm lụng quần quật, vất vả kiếm được tiền lời buôn bán cả tháng cộng với 400 ngàn các con gởi vào, chỉ vừa đủ tiền viện phí mỗi tháng cho cô con gái. Bà cười: “Mừng quá cô ơi! Hôm qua tui đi thăm nó. Nó nhận ra tui là mẹ nó rồi. Bác sĩ nói nó bớt được năm phần! Tui mừng quá!”.
Vất vả, nhưng vẫn vui
Căn phòng trọ của bà ở Tân Hoá chỉ rộng chừng 15 mét vuông, nhưng chứa khoảng hơn 30 người. Buổi tối, chiếu trải khắp phòng. Mọi người nằm sát nhau như “cá mòi”. Lúc về tới nhà trọ là đã 12 giờ đêm, đèn đuốc tắt hết, bà mò mẫm tìm đến chỗ ngủ quen thuộc. Bà cười hì hì: “Hai đứa ni nằm hai bên đều mập, tui nằm chính giữa, bị tụi nó ép cứng ngắc”.
Có hôm chân bị sưng như chân voi, bà khập khiễng quảy đôi quang gánh trên vai đi từng bước. Được một đoạn vài mươi thước, bà lại đặt quang gánh xuống nghỉ. Một ngày buôn bán kiếm được hơn chục ngàn. Bà cười hớn hở: “Hồi nãy gặp cô ni, mua giùm ba chục trứng cút, dư ba ngàn, cổ bảo khỏi thối”.
Không hiểu sức mạnh từ đâu để bà già gánh có thể sống như vậy suốt tám năm qua. Bà cười bảo: “Quen rồi cô ơi!”. Rồi bà khoe: “Bây giờ mập lên được ba ký, lúc trước tui nặng có 39 ký hè!”.
Trung thu năm nay, có người tặng bà một chiếc bánh. Bà cẩn thận gói ghém rồi nhờ người quen gởi về quê cho các cháu. “Tội nghiệp! Từ nhỏ tới giờ, tụi nó chưa biết mặt cái bánh trung thu là cái ni!”. Thực ra, bản thân bà cũng chưa từng biết cái vị bánh trung thu ra sao. Bà kể, có hôm đi bán thấy người ta bày bánh thấy ngon, nhưng mắc quá, không dám mua.
Bà già lại hay mủi lòng vì người khác. “Có bà ni còn khổ hơn tui nữa. Nhà bả ở thành phố, có thằng con trai bị điên đập phá suốt ngày. Còn bà ni ở sát phòng trọ, hơn 80 tuổi bị con cháu đối xử tệ bạc, phải nhảy cầu tự tử. Tội lắm!”, bà trầm ngâm kể.
SGTT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét