Tiệm sửa xe gắn máy ở mặt tiền đường Cách Mạng Tháng Tám tồn tại 20 năm qua không bảng hiệu, “không phải chịu một đồng thuế nào, khách cứ thấy tôi là đưa xe vào sửa”, ông Lộc chủ tiệm nói
Nhiều trường hợp xe vừa rề tới, không thấy chủ hay chủ đang lúi húi với một ổ máy nào đó, khách nói với thợ, “đi đây chút quay lại”. Nhiều lần để ý với kinh nghiệm hơn 20 năm trong nghề, ông Lộc cho biết “người ta thích mình chớ không thích thợ sửa xe”. Chẳng phải ông Lộc đẹp trai, ăn nói có duyên, dễ gây thiện cảm mà thích cái cách ông bắt bệnh chiếc xe và cách ông sửa chữa.
Tận tuỵ với nghề
Bộ đồ nghề của ông luôn sạch bóng, đưa cái vít vào xe chỉnh hay mở cái gì, như một thói quen, lau đầu vít trước khi thực hiện; khi vội, quẹt đầu vít lên quần mới vặn. Chỗ sửa xe lúc nào cũng gọn gàng sạch sẽ. Khách yêu cầu tăng sên, không bao giờ ông quên rỉ nhớt lên sên cũ và cả tiện tay, tăng luôn thắng sau; thấy bánh xe mềm thì bơm thêm. Nếu thay bộ ba: sên – nhông – dĩa, dù không dính dáng gì, ông đều móc sạch dầu, đất bám ở những cạc-te trước khi lắp nó vào lại... Tất tất, ông là người chủ, người thợ tận tuỵ với nghề, làm việc đầy nhiệt tình. Chính lẽ đó mà khách hàng của ông Lộc cỡ vài trăm người quen, từ công nhân viên chức của các cơ quan ban ngành đoàn thể cho đến các công ty, xí nghiệp, người dân đóng trên địa bàn phường 4, 5 quận 3; “rộng hơn, khách ở xa hơn nữa người ta cũng tới, quen mặt hết à!”, ông Lộc cười một cách thân thuộc.
Không bảng hiệu nhưng khách quen hầu như đều biết điện thoại bàn, di động của ông. Nhiều lúc khách chỉ cần alô “là tôi đến tận cơ quan, nhà hay đâu đó mang xe về sửa; chiều, mai gì đó khách đến lấy xe về”, ông Lộc kể dễ dàng như một dịch vụ lưu động. Khách bỏ xe sửa, không có phương tiện đi lại, chủ tiệm sẵn lòng cho mượn chiếc DH88 cũ mèm – “chân chạy” của ông Lộc. Chiếc xe “nghĩa địa” này cách nay hơn 10 năm ông vào kho sục mua, đạp không xăng không lửa, chỉ để nghe tiếng quay và áp lực máy thôi mà đến nay vẫn chưa rã máy. Xe còn nguyên xi, đề một phát... nổ, chạy rất bốc và êm ru, dù trước đó người ta đã chạy nhừ cả rồi – chạy thử mới thấy đúng là xe nhà nghề.
Để bắt bệnh máy xe, ông chỉ cần nổ máy nghe tiếng hay chạy thử một vòng là có thể đưa ra những triệu chứng như pít tông, bạc lỏng; sên cam giãn; dên bị rơ; xú páp ra sao hay bộ phận xăng - lửa có vấn đề... Sau khi tốt nghiệp trường kỹ thuật Cao Thắng và trường kỹ thuật cơ khí, ông Lộc ra mở tiệm ngay. Đến nay đã 23 năm hành nghề nên nhuần nhuyễn đến độ “cho ai đó rã máy ra đi, dồn vào một khay, tôi xốc xốc một hồi biết thiếu cái gì, cái gì hư phải thay...”, ông Lộc đoan chắc vậy.
Đã nhiều trường hợp bị lấy mất hay bị thay con IC dỏm, vì nó nằm ở ngoài cốp xe, dễ tiếp cận; “khách quen, tôi đều giấu IC vào trong sườn hết, tụi nó đổi rồi còn làm dấu để biết xe đó đã luộc rồi!”, ông Lộc lắc đầu. Hôm rồi tôi đến thay sên xe máy, ông Lộc phát hiện ốc cốp phía gắn con IC mất, nhưng tay bất lương nào đó đã... bó tay! Chính sự nhiệt tình vậy mà bảy tám năm nay, dù cách xa chừng chục cây số tôi vẫn mang xe lại sửa chỗ ông; trừ phi xe xẹp bánh phải vá dọc đường.
Còn đó – “hữu xạ tự nhiên hương”
Từng có người nhận vào phụ trách về kỹ thuật ở những trạm sửa chữa bảo trì cho hãng xe lớn, trả lương bằng đô la; cho sang Thái Lan học một khoá... nhưng ông Lộc từ chối – “lương khá nhưng có bền đâu!”. Nhiều người quen thắc mắc, “sao ông không làm chủ chỉ huy, mở lớn ra, làm rầm rộ cho phất lên?”. Ông Lộc nói, nếu làm lớn “sẽ mất khách”, khi đó đứng chỉ tay cho thợ làm, người ta không thích... và “tôi cũng chỉ thích tự làm trực tiếp, quyết đoán, tôi khó ở chỗ đó!”.
Trước đây “xưởng Lộc” đóng ở mặt tiền, có đệ tử học nghề, nơi khác thường lấy một đứa năm ba chỉ vàng; với ông Lộc thì không mà còn cho ăn cơm, cà phê cà pháo. Giờ học trò tên Khoẻ đã thành đạt, mở tiệm lớn gần chân cầu Mỹ Thuận, lâu lâu lên Sài Gòn thọ giáo thêm ở thầy, tư vấn lấy phụ tùng xe... về Tiền Giang hành nghề. Nay “xưởng” vào hẻm nhà, thầy cũng Lộc, thợ cũng Lộc...
Từ năm 2006 đến nay phải trả lại mặt bằng, dời tiệm về nhà trong hẻm sâu 376 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3 mới gắn bảng hiệu nhỏ chỉ cỡ cái laptop với chữ... Lộc; thế mà lượng khách quen không suy suyển. Đến độ có một bà giáo viên người Pháp biết tiếng Việt lơ lớ đi xe Attila vừa rồi, hỏi thăm quán nước kề tiệm cũ cũng mò vào được hẻm 376 sửa xe. Ông Lộc kể, “hơn hai năm rồi mà bà Pháp vẫn nhớ”, báo cho bà ấy biết xe bị hư con IC, bà nói, “phai thay mơi chay chư!”.
SGTT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét