Chủ Nhật, 1 tháng 3, 2009

Đời bạn câu

Hắn có những nét khác biệt hẳn những bạn câu cùng ghe. Đi biển, chẳng có mống nữ nào, thế nhưng hắn vẫn diện áo sọc ca rô, tóc ép ngược, một bên tai đính bông. Điện thoại di động thì cứ mỗi tối lại ò í e thì thầm nhỏ to tâm sự, tán tỉnh qua lại giữa biển với bờ…

Bạn câu Danh trong một chuyến biển hồi tháng 9. Chỉ mới 22 tuổi đời, thế nhưng bạn câu Bùi Thanh Danh, một “lính mới” của ghe câu thuyền trưởng Khánh, đã có thâm niên nghề biển đến gần chục năm. Ảnh: Trần Việt Đức

Bỏ học theo ghe

Năm 13 tuổi, lúc học lớp sáu, Danh đã bị “buộc thôi học” chỉ vì dính vào những trận đánh lộn liên miên với đám thanh thiếu niên cùng trường.

Nhà Danh ở ngã ba Thầy Thím, Hàm Thuận Nam, Bình Thuận. Để theo học cấp hai, Danh phải đi lên tận Tân Hải, cách nhà 6 – 7 cây số. Điều không may cho anh chàng thuỷ thủ tương lai này là anh đã lọt vào “mắt xanh” của một nhóm thanh thiếu niên người địa phương chuyên bắt nạt, trấn lột những học trò ở xa đến học. Những trận đòn liên tiếp đã khiến cho cậu bé Danh hoảng sợ, bỏ học, xin theo nghề biển.

Những cậu bé như Danh khi lên ghe thì chỉ có thể làm “con em” dài hạn trên ghe. Theo sự phân cấp trên ghe thì “con em” chính là những “Oshin”, là người chuyên nấu ăn, dọn rửa, làm việc vặt trên ghe. “Con em” lo việc ăn uống, cà phê cà pháo cho bạn câu, dọn rửa, chà sàn, giũ lưới… nhưng không được đụng đến đồ câu. Phải qua cả một quá trình phấn đấu gian khổ thì các “con em” mới được “nâng cấp” thành bạn câu, nhường “chức danh” ấy lại cho một lính mới nào đó…

Vốn mê biển nên cậu bé Danh dễ dàng chấp nhận làm “con em” trong gần bốn năm trời. Danh còn nhớ, phải đến ba bốn “lèo” (chuyến biển) thì cậu mới quen việc. Thế nhưng ngay chuyến đi biển đầu tiên, với phần chia được triệu mấy, cậu “con em” này đã thấy yêu cái nghề tuy vất vả nhưng cũng kiếm được khá tiền.

Đời bạn câu gần chục năm, qua gần hai chục chủ ghe, Danh ấn tượng nhất là những chuyến đánh cá xa.

Đó những chuyến đi câu thật vất vả. Các ngư dân câu bủa, mỗi lần đánh cả ngàn lưỡi câu. Họ thường đánh đêm, không chong đèn to mà chỉ chong đèn nhỏ như loại đèn trái ớt. Có những chuyến bủa câu, ghe Danh kéo lên cả trăm con cá, đa số là cá mập, cá cờ, có con 50 – 70 ký, có con cả một hai tạ.

Đối với những con cá cỡ một hai tạ, những bạn câu không khấu bắt lên ngay mà phải dùng lao phóng cho chết rồi ba, bốn người mới khấu lên ghe.

Mắc nợ hải hồ

Sau chuyến thoát thân từ vùng biển lạ về, Danh lên bờ học nghề thợ hồ. Lên thợ, thu nhập khá ổn định, thế nhưng Danh vẫn thèm cá, nhớ biển. Làm hồ chỉ được một năm, Danh xin theo ghe của thuyền trưởng Khánh, một ghe câu thường chở các dân câu thuộc câu lạc bộ câu cá Bốn số 9 TP.HCM đi câu ở vùng biển Côn Đảo.

Ít có cái nghề nào gian nan, vất vả như nghề câu biển. Ban ngày thì dầm mưa dãi nắng ngồi câu, ban đêm lại không được nghỉ vì phải làm mực để có mồi câu cá. Sóng gió thất thường, những ngày biển động, trời thổi, có khi mưa gió suốt cả tuần, không thấy mặt trời. Những ngày biển động, mưa tạt ướt cả vào trong khoang, kiếm một chỗ khô để ngủ cũng khó.

Một vết thương nhỏ trên ghe như bị cá đâm, cá cắn nghiêm trọng gấp mười lần vết thương tương tự trên bờ vì các ghe câu thường không trang bị gì nhiều những phương tiện sơ hay cấp cứu. Bị bệnh nặng đột xuất mà không kịp đưa về đất liền là chết như chơi. Đó là chưa kể những tai nạn “lãng nhách” nhưng rất thường xảy ra đối dân làm nghề biển, đó là chuyện nhậu nhẹt say sưa, gây gổ đánh nhau, bị đâm chém hay “lọt sông” (rớt xuống biển) chết mất xác khi đi lại trên ghe.

Thưa cá thì ít tiền, khi trúng cá như khi mùa cá thu thì phải làm cật lực để câu cá được thật nhiều. Đến thời điểm cá ăn rộ, ngay cả đến bữa ăn cũng không có giờ mà các bạn câu thường chỉ ngồi tại chỗ, ăn cơm vắt, câu đến hoa mắt chóng mặt…

Vất vả là vậy, nguy hiểm nữa, thế nhưng có mấy ai đã từng vùng vẫy cùng sóng gió lại chịu được cảnh tù túng trên đất liền? Như Danh, bảo là sẽ đi lại vài “lèo” để đỡ nhớ biển, nhưng chắc sẽ là vài chục, vài trăm lèo, gắn bó mãi với cái nghề đã thành nghiệp…

SGTT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét