Chủ Nhật, 1 tháng 3, 2009

Người đàn bà bán chuối nướng

Tôi quen dì nhân một “tai nạn”, khi dẫn con vào nhà sách Sài Gòn. Và tôi khám phá ra bên dưới mâm bánh chuối nướng của dì câu chuyện hai đứa con mắc bệnh sống nhờ vào những đồng tiền dì góp nhặt mỗi ngày

Dì Cúc bán bánh chuối nướng trước nhà sách Sài Gòn

Tôi hỏi dì thứ mấy, dì nói: “Cứ gọi tôi là dì Cúc, tôi không có anh chị em gì cả nên cũng không biết mình thứ mấy”. Bà lão vừa đẹp người, vừa ngọt ngào, nhân hậu. Một tay bà cầm miếng bánh chuối trở qua trở lại trên bếp than, mắt trông chừng về phía xa xăm trên con đường một chiều. Rồi bất giác bà gom tất cả vào cái giỏ, vừa bưng vừa chạy. Như một hòn đất vừa ném xuống ao bèo, chiếc xe tải nhỏ ấy vừa khuất bóng thì những người buôn bán trên vỉa hè trở về vị trí. Dì Cúc từ trong nhà gởi xe thở phào bước ra, đặt cái giỏ xuống vị trí của mình trước nhà sách Sài Gòn. Lại thở phào, dì nói với tôi: “Hôm trước tôi bị tịch thu cái ghế mủ, xách không kịp, mới mua lại hết mười ngàn đồng”.

Tôi quen dì Cúc qua một sự hiểu lầm. Hôm ấy, đưa con gái vô nhà sách Sài Gòn, trời mưa lất phất, thấy bà lão bán bánh chuối cho mấy người khách ngoại quốc, sẵn máy ảnh tôi bấm vài kiểu, dì đứng dậy bỏ đi, nét mặt buồn buồn. Khi tôi cất máy vào túi, dì mới quay lại chỗ ngồi và nói như cầu khẩn: “Chú đừng chụp hình tôi, tôi sợ lên báo lắm”. Tôi hỏi tại sao, dì nói mình bán hàng rong, phải trốn chui trốn nhủi, lên báo rồi làm sao trốn được. Tôi mua bánh của dì thay cho lời xin lỗi. “Khổ lắm cháu ơi, từng tuổi này phải nuôi hai thằng con trai trên ba mươi tuổi. Một thằng khùng, một thằng bệnh xơ gan”. Bán mỗi cái bánh chuối lời một ngàn đồng, mỗi ngày kiếm được bảy tám chục ngàn, nhưng phải tốn ba chục ngàn cho hai cuốc xe ôm. Tôi nói để tối nay con chở dì về, đỡ tốn mười lăm ngàn. Dì nói: “Thôi, vừa làm phiền cháu, lại làm phiền chú chạy xe ôm. Hàng đêm, mưa gió cỡ nào chú ấy cũng chờ tôi đến chín giờ rưỡi, lúc ấy có ai kêu một cuốc ba bốn chục ngàn chú cũng không đi”.

Hôm sau, tôi mua một ít thuốc nam mang đến trao cho dì, tôi nói tôi muốn qua nhà xem bệnh gan của thằng Lộc ra sao để giúp nó chữa trị. Dì nhờ một người bán hàng rong bên cạnh: “Nhắn với chú xe ôm giùm tôi đêm nay khỏi rước, tôi phải dẫn một đứa cháu về nhà để xem bệnh cho thằng Lộc”. Rồi dì quay sang tôi: “Phải nói như vậy để chú xe ôm đừng buồn”.

Ngôi nhà dì Cúc nằm trong con hẻm nhỏ trên đường Phan Xích Long. Gọi là nhà, nhưng thật ra nó nhỏ hơn một căn phòng ngủ bình thường. Ngang hai mét, dài bốn mét. Phía trên có cái gác gỗ. Dì nói thằng Lộc ngủ trên đó, còn dì với thằng Phát ngủ ở dưới. Thằng Phát ngồi trầm ngâm, tựa lưng vào vách tường, thỉnh thoảng cười một mình, thỉnh thoảng lại lườm lườm nhìn mọi người như nổi giận. Lộc thì bắc ghế ngồi ngoài hiên, mặc quần cụt, ở trần, da ngâm đen, người ốm còm, yếu ớt. Tôi hỏi bệnh tình thế nào, Lộc buồn rầu đáp: “Bác sĩ nói em bị xơ gan”.

Xơ gan! Nếu nhẹ thì cũng phải tốn bạc trăm triệu, còn nặng thì vô phương cứu chữa. Tôi hỏi Lộc gần đây có đi xét nghiệm không, Lộc lắc đầu, bảo có xét nghiệm cũng chỉ buồn thêm thôi, giải quyết được gì. Xơ gan thì không được làm nặng, vậy mà có lúc Lộc đi làm thợ hồ, làm được một hai ngày rồi đuối sức. Hàng ngày, Lộc ngồi trước cửa, đón mấy người mua ve chai để nó mua lại các món đồ điện, rã ra, chùi bóng từng món phụ tùng rồi mang đi bán, có hôm cũng kiếm được vài chục ngàn đồng, có hôm không kiếm được đồng nào. Dì Cúc nhìn Lộc đang ngồi trầm tư, rồi như dì nói với chính mình: “Thôi thì nó sống vui được ngày nào hay ngày nấy, số trời đã định vậy rồi”.

Tôi hỏi có khi nào dì tìm thấy một niềm vui, dì nói cũng có, ví dụ như mấy cô nhân viên nhà sách Sài Gòn, tháng nào lãnh lương cũng dúi vào tay dì chút ít tiền, người năm chục, người một trăm

Hỏi đời dì khổ nhất là lúc nào, dì nói khổ từ nhỏ đến giờ thì biết sao mà nói được, nhưng riết rồi quen, rồi không còn thấy khổ. Nhưng buồn nhất là những lúc bị cảm cúm, nhức đầu hay trời mưa kéo dài không đi bán được, ba mẹ con nằm chèo queo trong nhà mà hết gạo hết tiền. Hỏi quê quán, dì chỉ biết mình gốc gác Quảng Nam, cùng với mẹ trôi dạt vào Sài Gòn theo khói lửa chiến tranh, dựng một căn chòi bên bờ kênh Nhiêu Lộc. Dòng kênh đen quánh ấy đã nhuốm bao thế hệ đời người. Chồng bị bắt lính rồi biệt tích, để lại cho dì bốn người con trai, cũng lớn lên bên dòng kênh đen ngòm số phận. Sau khi giải toả kênh Nhiêu Lộc, dì được đền bù một số tiền đủ mua căn nhà mười sáu mét vuông. Rồi nghèo túng, nợ nần, căn nhà cũng teo tóp dần còn một nửa. Hai người con trai lớn cưới vợ, ra riêng nhưng vẫn nối tiếp số phận bấp bênh của đời người đi trước.

Tôi nghĩ miên man về một chiếc cần câu cho dì Cúc, nhưng đành chịu, chỉ còn biết hy vọng vào một phép màu nào đó. Tôi bèn hỏi, nếu ông trời cho dì một điều ước, chỉ một điều duy nhất thôi, thì dì sẽ ước gì? Dì Cúc trả lời ngay mà không cần suy nghĩ: “Ước bán đắt hơn để đủ tiền nuôi hai đứa nó”. Tôi lại hỏi, nếu có thêm điều ước thứ hai? Dì cũng trả lời ngay: “Ước mạnh giỏi, đừng chết trước hai đứa nó”.

Trời ạ! Gần bảy mươi tuổi rồi, lại phải lo cái nỗi lo lá úa lìa cành trước lá xanh!

Tôi hỏi có khi nào dì tìm thấy một niềm vui, dì nói cũng có, ví dụ như mấy cô nhân viên nhà sách Sài Gòn, tháng nào lãnh lương cũng giúi vào tay dì chút ít tiền, người năm chục, người một trăm. Mới đây, đứa cháu nội thi rớt đại học, được cô giám đốc nhà sách giới thiệu vô làm việc trên công ty. Mình bán ở đây, mấy cổ không đuổi mà còn giúp đỡ, ơn này không biết bao giờ mới đền đáp được.

Con gái tôi, sau khi nghe tôi kể câu chuyện này, nó nói: “Cha nói với bà, hàng đêm con đi học Anh văn, con sẽ đưa bà về để đỡ tốn mười lăm ngàn”. Nhưng dì lại từ chối: “Thôi cháu ạ, cho dì gởi lời cảm ơn con bé, nhưng làm như vậy tội nghiệp chú xe ôm. Chú ấy tốt lắm, đêm nào mưa to gió lớn cũng không bỏ dì, hôm rồi xăng lên giá, dì bảo lấy thêm hai ngàn, chú ấy cũng từ chối”.

Thôi thì đành vậy. Kể câu chuyện này, tôi cũng không mong mỏi gì hơn, nếu đêm nào các bạn chợt đi qua đường Lê Lợi, hãy ghé trước nhà sách Sài Gòn, mua giúp dì Cúc vài chiếc bánh chuối nướng. Bởi dì đã nói, nếu ông trời cho dì một điều ước, dì chỉ “ước sao bán đắt hơn để đủ tiền nuôi hai đứa nó” mà thôi.

SGTT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét