Cứ tiếc ngẩn ngơ, vì bất cẩn mà “đi đứt” cái túi đặc sản mà bạn bè tặng, đã ra công mang từ tận Cà Mau về. Tiếc nhất là công cán của cô cháu gái đã “lèo lái” để tôi mang được mấy món “cấm bay” này lên máy bay. Nhưng sáng hôm sau, vừa vô bãi gởi xe cạnh cơ quan, đã nghe ai đó gọi ở sau lưng: “Anh gì ơi…”. Ngoái lại thì thấy anh xe ôm “hộ pháp” hôm qua đã chở mình, đang cười với cái bọc đặc sản trên tay
Hạnh xe ôm, từ nhà giáo chuyển sang nuôi cá trê phi, gà công nghiệp, mở xí nghiệp thức ăn gia súc, và lận đận tới bây giờ, túng quẫn với nghề xe ôm |
Sau mấy lời cám ơn rối rít, theo thói quen, tôi móc bóp thì thấy nụ cười tươi trên mặt anh xe ôm vụt tắt, vừa xua tay anh vừa cho xe vọt đi. Tôi quành xe đi theo một đoạn mới rủ rê được anh ta vào một quán cà phê. Anh tên Hạnh, năm nay 57 tuổi.
Gốc gác bá hộ
“Tôi mở ra coi rồi, toàn “món độc”, biết ông cũng là dân miền Tây”. Mặc cho tôi liếng thoắng, phải cạn hơn nửa ly cà phê đá, anh Hạnh mới mở lời. Anh cho biết nhà ở tận Gò Vấp, nhưng sáng nào cũng ra đây, vì có khách hàng quen là một cô giáo tiểu học bị liệt chân từ nhỏ, đang dạy ở trường tiểu học quốc tế gần cơ quan tôi. Chuyện vãn thêm một lúc thì biết cô giáo kia vốn là đồng nghiệp cũ của anh. Cách nay gần hai chục năm, anh Hạnh và cả vợ anh đều là giáo viên.
“Tôi quê ở Càng Long, Trà Vinh. Ông nội tôi gốc địa chủ kha khá, có đi học bên Pháp mấy năm. Về nước, ông không theo nghề công lộ đã học, cũng không ra làm công chức cho Pháp mà nhận lãnh việc quản lý và phát triển tiếp điền sản cho dòng họ. Nhưng đến đời ông già tôi là một “bước ngoặt”. Nhà giàu, lại là cháu đích tôn, được ông cố tôi “bảo kê”, ba tôi ham chơi từ nhỏ. Khi lớn cũng được đưa lên Sài Gòn học, nhưng ông chơi nhiều hơn học. Khi ông tôi mất, điền sản chẳng còn gì. Nhưng ông còn để lại được cho tôi một lời trăn trối: Phải cố học bằng mọi cách để lấy chữ làm tài sản”.
Con chữ chập chờn trước mặt
Lớn lên như bao người trong vùng, gia đình anh Hạnh sống bằng nghề nông. Nhưng riêng anh thì với quyết tâm bằng mọi cách theo con đường học hành. Vì cũng là con một, nên suốt thời chiến ấy, anh không phải lo chuyện trốn lính. Cho đến sau 30.4.1975, anh đã là giáo viên tiểu học của một trường ở quận Gò Vấp. Vì không dính gì tới chuyện lính tráng, nên sau khi đất nước thống nhất, anh Hạnh vẫn tiếp tục đi dạy bình thường. Đời sống nói chung, đặc biệt là đời sống giáo viên những năm sau chiến tranh cực kỳ khó khăn.
Anh Hạnh lấy vợ cũng vào những năm khó khăn ấy. Vợ anh là người cùng quê Trà Vinh, cùng học chung ở trường Sư phạm tiểu học và ra trường lại về Gò Vấp dạy cùng trường với anh. Chị cũng dân gốc nông dân, nhà nghèo nhưng cũng có quyết tâm đổi đời bằng việc học như anh. Cho nên, những năm đời sống quá khó khăn sau giải phóng, anh chị vẫn không có ý định trở về quê, hy vọng bám lại thành phố cho sau này con cái có điều kiện học tập tốt hơn.
Đến cuối những năm 1980, đời sống kinh tế đất nước bắt đầu bung ra với những “kế hoạch B, kinh tế ba thành phần”… đã lôi kéo nhiều giới tham gia để cải thiện đời sống, trong đó có không ít giáo viên. Nhưng thời đó chưa phổ biến chuyện dạy thêm, học thêm, nên đa phần giáo viên đi làm ăn là làm những việc trái nghề. Con bị suy dinh dưỡng, nhà túng thiếu triền miên, vợ chồng anh Hạnh cũng quyết định từ bỏ nghề giáo để “bung ra” với hy vọng chuyển cái ước mơ chữ nghĩa cho các con.
Hạnh xe ôm
Cùng thời “bung ra” với anh Hạnh, có người bây giờ là những đại gia tên tuổi, con cái du học tận bên Mỹ, Âu châu. Nhưng không ít người vẫn tiếp tục lận đận, lỡ làng vì chuyện kinh doanh không phải ai cũng làm được, làm tốt. Anh Hạnh nằm trong nhóm số đông thứ hai này. Từ nuôi cá trê phi, đến gà công nghiệp, đến xí nghiệp thức ăn gia súc… vợ chồng anh Hạnh cứ men theo con đường kinh doanh cận nghề nông quen thuộc và mỗi lần đổi việc là một lần thấy mình chậm chân hơn người khác và chuyện nợ nần thiếu hụt lại tiếp tục bủa vây.
Khi đó ngoảnh lại với nghề giáo đầy tiếc nuối, thì thấy mình đã già, đã lạc hậu. Buồn nhất là mục tiêu học tập cho các con cũng không đạt được, cả ba không có đứa nào vào được đại học.
Cách nay gần tám năm, sau khi cưới vợ cho đứa con lớn và lo cho hai đứa nhỏ đi làm công nhân, anh Hạnh và vợ quyết định về quê Càng Long mua mảnh đất nhỏ. Nhưng rồi đột ngột cậu con cả bị tai nạn lao động qua đời. Chưa đầy sáu tháng sau khi chồng mất, để “đi bước nữa”, cô con dâu đem hai con, đứa lớn bốn tuổi đứa nhỏ chưa đầy hai tuổi, gửi cho ông bà nội. Thế là chấm dứt giấc mơ về quê. Anh Hạnh ra nghề chạy xe ôm, vợ anh đi bán vé số. Cuộc theo đuổi chữ nghĩa của đời anh Hạnh bây giờ ký gởi vào hai đứa cháu nội bé bỏng.
Chợt nhìn đồng hồ, anh Hạnh vội đứng lên vì gần đến giờ đưa cháu đi học. Tôi hỏi đường đến nhà, anh bảo lòng vòng trong hẻm khó tìm lắm, rồi anh cho tôi số điện thoại. Tôi hỏi họ tên đầy đủ của anh, anh bảo: “Cứ gọi tôi là Hạnh xe ôm”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét