Chủ Nhật, 1 tháng 3, 2009

Trong khu vườn cối

Không cây cỏ, hoa lá, chỉ có cối đá được sắp đặt thành từng trụ ngay ngắn với số lượng lên đến 1.500 cái lớn nhỏ khác nhau. Khu vườn cối ấy thuộc sở hữu của một cô gái sinh năm 1977, nhưng đã có 10 năm sưu tầm cối đá khắp vùng non nước Khánh Hoà

Tâm tư cối đá

Một góc vườn cối của Hiếu

Vĩnh Ngọc – một làng quê nằm ven sông Cái, ngoại ô phố biển Nha Trang, nổi tiếng với nghề dệt chiếu, làm bánh mì, nặn đất, làm gạch, đúc lò… Những năm gần đây, Vĩnh Ngọc lại được biết đến bởi có một khu vườn cối đá độc nhất vô nhị. Gặp chủ nhân – chị Nguyễn Thị Minh Hiếu – chị kể chuyện sưu tầm : “Mình rất thích hình tròn bởi nó tượng trưng cho sự hoàn hảo, trọn vẹn, và từ chiếc cối đá được ngoại cho cách đây 10 năm, mình bắt đầu sưu tầm cối đá từ đó”.

Chỉ đơn điệu với hai thớt cối, dáng ngoài giống nhau, công dụng như nhau, nhưng với đam mê cối đá tột bậc của mình, Hiếu lý giải: “Mình đọc trong cối đá vẻ đẹp của lòng chung thuỷ, sự chịu đựng của người phụ nữ. Cối phải hai thớt, thiếu một, cối không còn là cối nữa. Cối đá được xem như câu chuyện vợ – chồng, người vợ như thớt dưới, trong vòng xoay cuộc đời bao giờ cũng âm thầm cam chịu, và trong cuộc sống gia đình, lúc nào cũng phải có chồng có vợ mới làm nên chuyện. Thớt trên xoay, thớt dưới chịu đựng, từ cối đá nuôi nấng bao con người. Chiếc cối hoàn hảo, phải liền mạch, ăn khớp giữa hai thớt, nếu sai lệch công năng cối không còn. Cối đá do đàn ông tạc ra, nhưng người sử dụng thường là phụ nữ và trong khi xay cối, biết bao tâm tư được gửi gắm trong từng vòng xoay ấy”.

Hiếu sưu tầm cối đá còn bởi lẽ: “Cối gắn liền với lịch sử bao đời, bao con người từ tầm thường đến bậc vỹ nhân của Việt Nam, sinh ra và lớn lên cũng nhờ lương thực xay ra từ cối. Cối bao quát nhiều điều gần gũi, giản dị trong từng gia đình giàu – nghèo, cối mang nhiều hoàn cảnh, vị trí, thái độ đối xử khác nhau”. Chính những cảm nhận phong phú ấy đã khiến đam mê sưu tầm của Hiếu ngày càng mãnh liệt với những chiếc cối đá.

Khu vườn cối

Một chiếc cối hiếm hoi có ghi năm sản xuất

Hiếu bày tỏ: “Mình thuộc thế hệ giao thời giữa cũ và mới, nằm trong nhóm tuổi những người không sử dụng cối đá nhưng qua nhiều câu chuyện, và nhất là những hình ảnh quen thuộc của chiếc cối đá trong mỗi gia đình người vùng quê, ai cũng công nhận chiếc cối đá là một phần quan trọng trong cuộc sống của họ. Vì vậy mình muốn giữ lại những giá trị quý giá ấy. Thợ làm cối nay mai một dần, vì chẳng còn ai cất công sử dụng cối đá xay bột, xay gạo như ngày xưa, trong khi đó thân phận cối đá bị bỏ lăn lóc chỏng chơ, bị đối xử phũ phàng, mình chỉ muốn tạo một không gian cho cối sống lại, cho mọi người khi nhìn vào thấy được vẻ đẹp của nó”.

Quả thực, nói như Hiếu, một cái cối không gì ấn tượng, 10 cái cũng thế, nhưng hơn 1.500 cái cối lại là một câu chuyện khác, một cái nhìn kinh ngạc của tất cả những ai đã từng ghé qua vườn cối của Hiếu.

Trong bộ sưu tập cối của Hiếu, mỗi chiếc cối mang một câu chuyện, một tình cảnh, một góc độ đời sống khác nhau. Hiếu kể lại câu chuyện bà cụ đã ngoài 70, được con đưa xe hơi đến tận vườn cối của Hiếu với mục đích tìm lại chiếc cối bỏ ở vườn nhà bị mất. Bà kể cho Hiếu nghe chiếc cối đá ấy là vật kỷ niệm khi bà lập gia đình, được ba mẹ chồng mua tặng sử dụng. Nay đã ngoài 70, chiếc cối mới bị ai đó lấy mất và bà muốn tìm đến vườn cối chuộc lại vì biết rằng cối đá Khánh Hoà rồi cũng tập trung tại vườn cối của Hiếu. Nghe chuyện, Hiếu mời bà cụ ra vườn cối để tìm chiếc cối theo miêu tả, nhưng tìm mãi không ra. Hiếu cho biết: “Nếu cụ tìm ra đúng chiếc cối đá kỷ niệm ấy, mình sẵn sàng trả lại. Mình muốn để cụ thấy rằng cối đá không quý về giá trị tiền bạc, nhưng còn nhiều giá trị khác mà người chủ cối không biết giữ, mình sẽ thay họ giữ trọn những giá trị ấy”

Ngẫu hứng cối đá

Với Hiếu, mỗi chiếc cối mang một câu chuyện

Hiếu cho hay: “Giữ đam mê suốt 10 năm là cả vấn đề, nhiều người bảo mình bị khùng vì bỏ tiền mua thứ vớ vẩn”. Nhưng càng ngày, bộ sưu tập càng dày lên, những lời ra tiếng vào cũng dần vơi đi, và đến khi bộ sưu tập của Hiếu như hôm nay thì chỉ còn sự kinh ngạc, thán phục lẫn ngưỡng mộ khu vườn cối của Hiếu.

Hiếu tập trung gần như hầu hết cối đá vùng non nước Khánh Hoà trong khu vườn cối của mình. Chiếc nhỏ nhất có đường kính 10cm, chiếc lớn nhất đường kính 1m. Tuy là đá, niên đại làm cối thật khó xác định, nhưng trong bộ sưu tập cối đồ sộ của mình Hiếu có được hai cối ghi rõ năm sản xuất, một cái ghi năm 1938, cái còn lại ghi ngày 20.10.1986 ngày kỷ niệm thành lập hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Tìm cối không khó, nhưng tìm những câu chuyện ẩn hiện trong chiếc cối mới là những điểm nhấn thú vị mà Hiếu tâm đắc trong bộ sưu tập.

Hình dáng cối giống nhau, nhưng phân biệt hai loại rõ rệt, loại không có tai, và loại có tai, với nhiều chất liệu đá như đá đen, đá granite, đá tổ ong, đá xanh… Cối đá trong vườn được Hiếu bố trí hai mảng chính, sắp đặt theo hình trụ từ nhỏ đến lớn, và một mảng sắp đặt cẩu thả, thể hiện sự đổ nát, hoang phế. Chiếc cối ở mỗi nhà có hoàn cảnh khác nhau, khi về với Hiếu, tất cả dựa vào nhau, lớn nâng đỡ nhỏ để tạo thành một tổng thể giá trị. Chúng tạo nên cái đẹp cả về ý nghĩa lẫn hình thức, cho những ai chiêm ngưỡng khu vườn cối đều thấy rõ sự nâng niu, chiều chuộng của chủ nhân dành cho những chiếc cối tưởng chỉ là vô tri vô giác, nhưng lại ẩn chứa nhiều điều thú vị.

SGTT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét