Chủ Nhật, 1 tháng 3, 2009

Một người sửa xe đạp ở Vũng Tàu

Trên vỉa hè một góc đường lớn, phía sau là bãi đất trống, phía trước là một vòng xoay bao quanh đài liệt sĩ, một trong những cảnh quan đẹp của thành phố Vũng Tàu, Ba Bình nói anh ngồi đây đã mười tám năm rồi, từ khi bé Mai Phong (con gái út của anh) còn ẵm trên tay, bây giờ nó đã vào đại học

Ba Bình sửa xe đạp ở vòng xoay đài liệt sĩ Vũng Tàu đã 18 năm

Mười tám năm, bao nhiêu vật đổi sao dời, hai đời chủ tịch phường vào tù ra khám vì chuyện đất đai, anh vẫn là thợ sửa xe đạp. Ba Bình kể lại như một chuyện vui, rằng, ông chủ tịch phường hồi ấy mỗi lần đi qua đây đều dừng xe lại, quát: “Dẹp nghe chưa, không được làm mất mỹ quan đô thị!”. “Dạ, em sẽ làm gọn lại thôi, chứ dẹp rồi lấy gì sống, anh thông cảm”. Hai người hàng ngày cùng đưa đón con chung một cổng trường, thỉnh thoảng đậu xe gần nhau, Ba Bình lấm lét không dám nhìn. Khi ông ấy vào tù, rồi ra tù, lại đi đón con. Lúc ấy gặp nhau, Ba Bình vui vẻ hỏi: “Anh về từ bao giờ?”. Ông ấy lại quay đi. Trời xui đất khiến, khi ra tù, ông ấy dời nhà về ở gần với Ba Bình cũng là lúc Ba Bình được dân bầu lên làm phó ban điều hành khu phố kiêm tổ trưởng dân phố. Ông ấy làm môi giới nhà đất, thỉnh thoảng lại dựng bảng quảng cáo chiếm lòng lề đường, buộc Ba Bình phải nhắc nhở. “Lúc đầu mình cũng ngượng lắm ông ạ – Ba Bình nói – nhưng bây giờ thì hiểu nhau, thân thiện rồi”.

Hỏi kỷ niệm nào đáng nhớ nhất, Ba Bình nói cách nay hơn mười năm, khoảng chín giờ tối, có một người đàn ông say rượu, chạy chiếc Honda đến bỏ ngang dưới công viên rồi đi đâu mất biệt. Biết chuyện không bình thường nên thay vì về nhà, Ba Bình ngồi nán lại trông hộ chiếc xe. Đến nửa đêm, người đàn ông kia vẫn chưa trở lại, Ba Bình dắt chiếc xe về nhà rồi lên báo với công an phường. Hôm sau, khi nhận lại chiếc xe, người đàn ông ấy xúc động đến không nói nên lời. Ông lặng người nhìn ngôi nhà Ba Bình, toàn gỗ tạp, ván tạp, tôn vụn, thùng bia, cao su… ông giới thiệu mình là giám đốc một công ty vật liệu xây dựng khá nổi tiếng và nhã ý tặng Ba Bình một số cát đá, xi măng, gạch ngói để xây lại ngôi nhà. Ba Bình kiên quyết từ chối. Ông kia lại nói: “Thay vì anh phải ngồi sửa xe, để tôi đổ vật liệu cho anh bán, lời anh hưởng, vốn trả lại tôi”. Ba Bình lại từ chối: “Tôi chỉ biết sửa xe, không biết buôn bán”. Cuối cùng, người chủ xe chỉ còn cách kết bạn với anh.

Ba Bình nói, cuộc đời anh cũng như cái vòng xoay. Là người gốc Hà Nội, nhà dưới chân cầu Thăng Long. Năm 1978, cưới vợ xong đi lính hải quân, căn cứ đóng tại Vũng Tàu nhưng suốt mười năm cứ lênh đênh trên biển theo đội tuần tra. Mỗi năm về phép được một lần. Ba đứa con gái lần lượt chào đời trong bữa cháo bữa rau, gánh nặng mưu sinh oằn vai người vợ trẻ. Năm 1990, Ba Bình xuất ngũ. Nhìn lại đời lính chẳng có gì ngoài mấy trăm ngàn tiền trợ cấp, tom góp mua được năm chỉ vàng. Cha mẹ qua đời, để lại cho hai anh em một ngôi nhà nhỏ với vài trăm mét vuông đất. Nhưng người anh trai lại quá nghèo, phải gồng gánh năm đứa con ăn học. Ba Bình nói với anh: “Em sẽ làm giấy giao phần đất của em lại cho các cháu, vợ chồng em vào Nam lập nghiệp”.

Cháu tôi bây giờ đã học hành đỗ đạt, nhiều đứa giỏi giang, khá giả. Giờ mỗi lần tôi về thăm quê, đứa nào cũng dúi cho một ít tiền. Thấy chúng nó ngoan, mừng lắm! Nhiều khi tôi nghĩ, nếu ngày ấy mình không đánh bạo ra đi, biết đâu giờ anh em chú cháu chết chùm trong nghèo khó”.

Ba Bình nói, hồi mới vào đây, anh ở trọ nhà người chú họ gần chỗ này, thấy cái vòng xoay nhiều xe đạp qua lại, vậy là cầm cờ lê mỏ lết ra đây ngồi sửa xe. Còn vợ anh, chị Ngợi, lúc đầu đi làm trong nhà máy đông lạnh, người ta bắt làm vệ sinh, suốt ngày cứ cầm xô múc nước, dội rửa, sức khoẻ không chịu nổi, bỏ ra làm phụ hồ. Làm nặng đã đành, chậm một chút bị cai thầu mắng chửi. Thấy vợ khóc, Ba Bình bảo: “Thôi, ra bùng binh ngồi sửa xe với anh”. Ban đầu phụ việc, rồi thành thợ lúc nào không biết.

Bà chủ đất, chỗ Ba Bình ngồi sửa xe có hơn ngàn mét vuông bỏ trống, thấy Ba Bình hiếu thảo với người chú họ như cha ruột, đâm ra thương anh như con ruột: “Nhà chú mày chật hẹp quá, tao cho mượn cái nền chỗ sửa xe đó, cất nhà ở đi”. Ba Bình nói: “Ở rồi biết khi nào trả, hay là bác bán đi, cháu mua, nếu không đủ thì cho cháu nợ”. Bà lão, lấy bảy chỉ vàng. Năm chỉ vàng tích luỹ từ tiền trợ cấp ra quân, sửa xe hai năm mua thêm được hai chỉ, vừa đủ. Thế là Ba Bình có được cái nền hơn 80 mét vuông. Ba Bình đi mua cây vụn, tôn vụn, ván vụn, giấy carton vụn, thùng bia… đắp vá được một căn nhà. Ai dè năm năm sau, nhà chức trách hô giải toả, cư trú bất hợp pháp, không đền bù. Thế là đi kiện. Vừa kiếm sống vừa đi kiện. Nhọc nhằn cả năm. Cuối cùng cũng được đền bù một cái nền tái định cư trong hẻm.

Mười tám năm vật lộn với nắng mưa ở cái vòng xoay này, vậy mà Ba Bình luôn thanh thản, lúc nào cũng “bỏ áo trong thùng”, lúc nào cũng cười giòn với khách. Rảnh tay thì hai vợ chồng đọc báo, đọc sách. Mỗi cuốn sách mua về, cả nhà chuyền tay nhau đọc. Bữa cơm tối của gia đình cũng là cuộc đối thoại về sách, Ba Bình cho hay, cháu lớn Thuỳ Vân vừa tốt nghiệp đại học sư phạm toán – tin, vừa đi dạy vừa ôn thi cao học ở Sài Gòn. Ba Bình nói “con bé thứ hai rất tội nghiệp, hồi nhỏ học rất giỏi nhưng đùng một cái, bị viêm phế quản, tay bác sĩ chích thế nào bị phạm thuốc, con nhỏ á khẩu hơn một năm, sau đó trí nhớ bị chập chờn cho đến bây giờ. Con út, bé Mai Phong, vừa thi đại học, chưa biết kết quả ra sao”.

Từ giã Ba Bình, tôi về Sài Gòn được vài hôm thì bé Mai Phong gởi mail: “Chú ơi cháu đậu cả hai trường, đại học công nghiệp và y dược…”.

SGTT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét