Chủ Nhật, 1 tháng 3, 2009

Chưa một ngày nhàn rỗi

Ba tuổi, anh bị sốt, biết bao của cải, gia sản, nhà cửa trong gia đình lần lượt phải đem bán hết để cứu mạng sống. Trở thành người tàn với đôi chân bại liệt, anh làm đủ nghề để khẳng định mình “tàn” nhưng không “phế”

Học chưa hết lớp 9, anh Võ Đình Minh khẳng định mình là người văn hoá thấp. Nhưng với người dân thành phố Quy Nhơn, anh là một tấm gương của sự vượt lên chính khiếm khuyết của mình, tự sáng chế, cải tạo xe hai bánh thành xe ba bánh có số lùi cho người tàn tật. Đạt được nhiều giải thưởng khoa học sáng tạo, được bạn bè khuyết tật khắp Việt Nam biết đến với những sáng chế hữu dụng dành cho người khuyết tật. Nay là chủ một doanh nghiệp nhỏ ở Quy Nhơn, nhưng anh trăn trở: “Đời tôi chưa một ngày nhàn rỗi, chưa một ngày vui”.

Bất mãn với chính mình

Anh Minh nhớ lại: “Tôi là con cả trong gia đình có tám anh em, không theo nổi học văn hoá, tôi nghỉ ngang đi học nghề sửa điện tử, radio để tự lập. Năm 1972 vào Sài Gòn học nghề. Học về ti vi thầy phải tự tay ôm ti vi đến đặt trước mặt, thiếu con ốc, cây vít, thầy cũng phải đem đến vì tôi đi lại rất khó khăn, sức khoẻ yếu. Học nghề mà toàn bắt thầy phục vụ từng việc vặt như thế, tôi không thể chấp nhận được, lúc nào cũng mang tâm trạng bất mãn, phải bỏ học”.

Trở về lại Quy Nhơn, gặp một người bạn làm nghề sửa khoá, anh Minh lân la học cho có nghề để làm và trở thành người mở khoá số một Quy Nhơn, vượt qua cả tay nghề người đã dạy anh. Với tên gọi ông Cụt (người ta thường thấy anh chống nạng, tưởng bị cụt chân), hễ ở Quy Nhơn có khoá nào không mở được, tay ông Cụt đụng vào là khoá nào mở cũng ra, từ khoá thường đến khoá số, két sắt, tủ, cửa… Thời làm thợ khoá trong đời anh xem ra nhẹ nhàng nhất so với những nghề mà anh tiếp tục kể.

Bôn ba và tay trắng

Mẹ đi bán gạo một mình, các em còn nhỏ, anh bỏ nghề khoá, phụ mẹ vào Sài Gòn, mua gạo theo tàu ra Quy Nhơn rồi chuyển đến Đà Nẵng. Tháng 30 ngày, anh đi liên tục 27 ngày không nghỉ, bạn hàng ai cũng ngán sức lao động của anh, thời điểm đó người buôn bán bình thường chỉ đi 10 – 15 ngày trong tháng. Anh Minh tâm sự: “Mình đã không làm thì thôi, còn khi làm thì phải làm hết sức lực, để mọi người thấy mình tàn tật nhưng không ăn bám”.

Dành được số vốn, anh một mình đi làm riêng, mua cá chuồn theo tàu Thống Nhất ra Hà Nội bán ở chợ Đồng Xuân. Anh nhớ rất rõ: “Buôn cá được 7 chuyến, liều một trận đánh hàng thuốc tây để kiếm vốn kha khá ở nhà làm việc gì đó ổn định. Chẳng ngờ bị bắt, tịch thu hết hàng, sạch bay vốn luôn”.

Về lại Quy Nhơn anh vay tiền mua lốp xe hơi cũ, đem 10 lốp vào Sài Gòn rút bố bán cho mấy chỗ làm vỏ xe đạp, mua vỏ xe đạp về bán lại cho các tiệm sửa xe ở Quy Nhơn. Tích góp từng đồng lời, thu gom vỏ xe ở khắp Bình Định đem về thuê thanh niên trong xóm rút bố, bán lại cho Sài Gòn. Từ tay trắng, số vốn anh lên hơn 2 cây vàng. Anh dồn hết tiền đi Huế gom lốp về rút bố, mua lốp xong tự nhiên giá chỉ bố hạ, Sài Gòn không tiêu thụ nữa, vàng lên giá. Anh lại trắng tay.

Gia sản cả nhà còn 8 chỉ vàng, anh xin ba cho đi buôn muối. Cầm 8 chỉ, anh giao tiền, nhận muối ngoài đồng, vào bao chưa kịp chuyển về thì gặp mưa lụt. Các bao muối ngấm nước căng phồng, vác lên vai nước chảy sạch chỉ còn lại nhúm muối. Vốn liếng mất sạch mà chẳng kiếm được xu lời.

1986, anh lập gia đình, với 5 phân vàng trong tay anh theo nghề thu mua đồ cũ, ve chai, bù lon, con tán, vòng bi, bạc đạn, cờ lê, mỏ lết… đem bán lê la vỉa hè khắp Quy Nhơn. Cuộc sống khá hơn từ đó.

Cái khó ló cái khôn

Anh Minh tâm sự: “Thân thể tôi khiếm khuyết, nên không cho phép mình nhụt chí. Bằng mọi giá cũng không để lệ thuộc vào người khác”. Quyết tâm sống như thế đã tạo cho anh có những ý tưởng mà nhìn lại anh cũng không hiểu nổi: “Tôi chế một chiếc ba bánh từ xe Citi, chỉ chạy được số tới. Mỗi ngày đi làm phải ra vào hẻm nhỏ trong nhà, xe không có số lui nên rất bất tiện. Tôi tự mày mò, tháo ráp, thiết kế một bộ phận hộp số sao cho xe có thể chạy lui được. Ý tưởng có nhưng phải mất ba năm làm đi sửa lại mới hoàn tất. Anh em khuyết tật gặp, nhờ làm giúp, người này chỉ người kia, làm chiếc xe dắt đi nhậu một chầu là xong, khỏi tiền bạc gì cả. Cứ thế từ bán đồ lạc xoong vỉa hè, tôi chuyển sang làm xe máy cho người khuyết tật luôn”.

Không qua trường lớp đào tạo về máy, gò hàn, chỉ tự mày mò nghiên cứu, anh Minh đã gây sửng sốt trong giới người tàn tật với chiếc xe có số lui, rất tiện dụng. Đơn đặt hàng đến tới tấp từ trong tỉnh, ngoài tỉnh, khách hàng xa nhất ở tận Móng Cái, Hà Giang, Thanh Hoá, Hải Phòng… mình anh làm không xuể nên đứng ra thành lập doanh nghiệp, nhận anh em chủ yếu người đồng cảnh ngộ để truyền nghề.

Khách hàng có người đưa cả xe tay ga đến. Lại thêm một thách thức mới, mất nửa tháng suy nghĩ, anh chế được bộ số lùi cho chiếc Attila đầu tiên trong suốt một tháng. Anh bảo: “Mình như người thợ may, khách đem vải đến, bảo gì may nấy. Người cụt tay phải, nhờ chuyển tay ga sang trái, có người yêu cầu chuyển thắng và ga xuống chân, mỗi yêu cầu lại là một thách thức mà mình phải làm được. Vì là người khuyết tật nên mình hiểu được nhu cầu của những người bạn ấy bức thiết đến mức nào”.

Đạt được nhiều giải thưởng trong tỉnh, trong nước, được xem là thành công với việc chuyển xe hai bánh thành ba bánh cho người khuyết tật. Nhưng anh Minh lại buồn rầu: “Mấy tháng nay, từ khi nghe nói sắp tới có lệnh cấm không cho đăng kiểm xe ba bánh tự chế, xưởng không có đơn đặt hàng nào. Anh em trong xưởng cũng toàn người tàn tật, đã quen việc rồi, không có việc làm lấy gì sống”. Rồi anh buột miệng: “Chẳng lẽ, mình lại sắp trắng tay nữa sao!?”.

SGTT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét