Chủ Nhật, 1 tháng 3, 2009

Một đời phu xe

Sống gần trọn một thế kỷ, ông già Huyền mà người dân trong xóm vẫn thường gọi tên thân quen là Huần vẫn mải mê với nghiệp xích lô, không màng danh lợi, một mình cùng chiếc xe xích lô cũ kỹ, ông đã đưa mọi người đi qua khắp các miền quê ở Huế và Quảng Trị. Không nhớ rõ trong suốt quãng đời làm phu xe đã chở bao nhiêu người, ông chỉ biết: sống là phải lao động

Sinh năm 1913, tại thôn Lưu Khánh xã Phú Dương, Thừa Thiên – Huế, ở cái tuổi lẽ ra phải nương tựa, sống nhờ con cháu, ông Huần vẫn lặng lẽ chạy xe để mưu sinh.

96 tuổi ông Huần vẫn đạp xích lô để mưu sinh

Vào nghề từ xe kéo

Hơn 80 năm vật lộn với nghề, mọi sự vinh, nhục, thiện, ác ông từng nếm cả. Từ lúc 13 tuổi, ông đã đi ở thuê cho một thầy cai tại Vỹ Dạ. Mỗi tháng chỉ trả có sáu hào tiền lương, nhưng công việc nhiều đến mức không làm hết trong ngày, đêm đến bị bọn lính lệ trong nhà thường xuyên bóc lột, chèn ép đủ điều từ giặt áo quần đến đấm lưng, bóp tay... Không chịu nổi cảnh áp bức của chủ nhà, ông Huần bỏ trốn sang chợ Đông Ba làm đủ nghề từ bốc vác, phụ kéo xe cho các lái buôn. Năm 1932, nhân lúc kinh đô Huế có một cuộc triển lãm hàng hoá của các nước Đông Dương, nghe giới làm thuê đồn đại trên ga Huế đang cần người khuân vác lại có tiền bồi dưỡng hậu hĩ, thế là anh em làm nghề “thợ đụng” ở chợ chen lấn, xô đẩy để kịp kiếm một chân bốc xếp. Sau “thương vụ làm ăn” thành công, ông Huần kiếm được tám quan tiền, rồi đi đến quyết định mua một chiếc xe kéo để hành nghề. “Hồi nớ chưa có xích lô mô, ai có được chiếc xe kéo đã oách lắm rồi. Hành nghề xe kéo nếu không có giấy thông đường, thì không được bốc hàng tại chợ hoặc nhà ga, bến xe, khi gặp các quan đến khám xe, nếu nói cà lăm ngay lập tức giấy lưu hành bị xé nát”, ông kể lại.

Nhờ có bằng chứng nhận hành nghề ông được phép chở hàng khắp các nơi trong tỉnh, mỗi buổi sáng sau khi ăn cơm ở nhà ông đến đậu xe ở cầu Tràng Tiền ai nhờ chi chở nấy. Có những lúc “xe không về chở gió” chỉ biết nhìn trăng mà cười thôi chứ biết răng chừ, ông tâm sự: “Cả đời đạp xích lô ai gọi tôi đều chở, có chạy xa mấy từ Đông Ba về Phú Lộc, Nam Đông chi cũng cố sức đi hết, nhưng tuyệt nhiên đối với những người say rượu, hoặc bọn giang hồ cướp giật, đánh nhau, lỗ đầu, chảy máu thì dù có trả nhiều tiền tui cũng không chở mô”.

Làm phước cho cả làng

Đi xe kéo được hơn 10 năm, ông cũng tích góp mua được chiếc xích lô. Nhưng chả mấy ai mặn mà khi ngồi lên xe ông, bởi lúc đó ở toà khâm sứ Pháp đóng tại Huế chưa có cấp “giấy phép hoạt động” cho phương tiện xích lô trong nội thị Huế, thế là vô tình chiếc xích lô của ông mới “tậu được” trở thành xe công cho cả làng. Bà Nguyễn Thị Tâm, năm nay đã 72 tuổi ở thôn Lưu Khánh kể lại: “Hồi nớ ở trong làng, xã, hễ nhà nào có ai đau ốm, hay trở dạ bất ngờ lúc nửa đêm ông cũng thức dậy để chở đi viện, ông không ngần ngại giúp đỡ”. Dù gia cảnh nghèo khó phải chạy xích lô để nuôi vợ con, ông không hề mặc giá trước khi chạy, hễ ai trả mấy tiền cũng được. Không có cũng chẳng sao, miễn là vui vẻ sống chan hoà với xóm làng.

Trong suốt hành trình làm phu xe có một người ông vẫn còn nhớ như y, từ khuôn mặt, đến hình dáng của người này. Năm 1977, trong một đêm đang chạy xe về nhà ông gặp một lính nguỵ đi cải tạo mới về tên là Lê Lư ở làng Lương Lộc (huyện Hương Thuỷ), anh này trên đường trở lại quê hương, bị bọn cướp trấn lột không còn một đồng xu dính túi, người lại đầy máu, thế là ông Huần đi mua thuốc chữa trị vết thương rồi cho ăn hai bát cháo lươn, sau đó ông cặm cụi đạp xe hơn 20 cây số để đưa anh này về làng. Hơn 30 năm sau, ông biết anh này vẫn còn sống: “ở đời ai giàu ba họ, ai khó ba đời, tui làm việc nghĩa mà cứ nhắc mãi chẳng khác nào thanh củi khô khi mô đốt xong lửa nó lụi tàn, rồi thành than à”, ông nói.

Hai vợ chồng ông già Huần nương tựa cùng nhau để sống và hy vọng ngày trở về của người con trai

“Sư phụ” xích lô Huế

Sau ngày giải phóng, dù ở Huế có rất nhiều người đi xích lô, lại không còn khoẻ mạnh như thời trai tráng, nhưng “thói quen đi chậm” và “hễ xăm xe bị vá một lần là thay mới ngay” đã giúp ông giữ rất nhiều mối quen từ thuở xưa. Đặc biệt các bậc cao niên rất thích đi xe của ông. Chiếc xích lô cũ kỹ và khuôn mặt ông Huần gần gũi đến nỗi trở thành “biểu tượng” của cả chợ Dương Nổ (hay còn gọi là chợ Nọ). Đối với người lớn, kẻ nhỏ đến bọn trẻ choai choai chúng tôi ông đều xem như con cháu, hễ có chi vui ông kể không giấu một lời. Anh Nguyễn Tuấn, người có thâm niên đi xích lô hơn 10 năm tại chợ Nọ cho biết: “Ngày nào hễ không thấy có ông ở chợ tụi tui cũng buồn theo. Hôm nào không có khách đi xe, tụi tui nghe ông kể chuyện tiếu lâm cũng đỡ buồn anh ơi”. Thương ông già 96 tuổi vẫn chăm chỉ chạy xích lô kiếm tiền nuôi vợ, anh em xe thồ bố trí cho ông một góc đậu xe “vip” gần chân cầu. Nói là chỗ đậu “vip” cho oai vậy thôi, chứ ở chợ này người thuê xích lô rất ít.

Bây giờ đã lớn tuổi, mỗi ngày ông chỉ đi hai ba vòng kiếm tiền mua thức ăn để nuôi vợ. Lúc nào thấy ông cũng cười vui, nhưng ít ai hiểu đằng sau đó là nỗi buồn thăm thẳm của một người bố xa con gần 30 năm mà không hề gặp mặt: Năm 1978, vì nhà quá nghèo anh Đặng Xoài con trai duy nhất của ông lúc đó đã có vợ và hai đứa con nhỏ đã bỏ quê vào Nam làm ăn, từ ngày đó không một lần về thăm nhà. Hàng ngày, ông Huần và bà Trần Thị Lặc ngoài tiền kiếm được từ chạy xe xích lô, cùng với đám rau, cây cải sau nhà, hai ông bà vẫn lạc quan sống để nuôi hy vọng về một ngày gia đình được đoàn tụ.

SGTT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét